Multimedia Đọc Báo in

Trưởng thôn "mê" hiến máu tình nguyện

10:07, 19/07/2019

Hơn 30 năm qua, cứ ở nơi đâu trong tỉnh cần máu cứu người là anh Nguyễn Tấn Chờ (SN 1967, Trưởng thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) lại sẵn sàng đến tận nơi để hiến máu.

Anh Chờ là con thứ 9 trong gia đình có 10 anh chị em, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cư M’gar. Năm 1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh gác bút nghiên lên đường tòng quân và được phiên chế vào Đại đội Trinh sát (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Cơ duyên khiến anh tham gia hiến máu và được duy trì đều đặn cho đến tận hôm nay xuất phát từ lần thực hiện nhiệm vụ truy quét Fulro ở biên giới, một đồng đội của anh bị thương nặng, mất nhiều máu, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cả đơn vị được huy động đến để tiếp máu, nhưng do người bệnh thuộc nhóm máu hiếm (nhóm máu AB) nên chỉ có 2 người nhóm máu O là phù hợp. Đến phút cuối cùng, do người đồng đội còn lại bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét không thể cho máu nên chỉ còn mình anh tiếp máu. “Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì giọt máu của mình đã cứu sống đồng đội. Từ đó, tôi có suy nghĩ là mình không có gì để cho thì cho những giọt máu để giúp ích cho đời”, anh Chờ chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Tấn Chờ thường có thú vui chăm sóc cây cảnh.
Những lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Tấn Chờ thường có thú vui chăm sóc cây cảnh.

Năm 1989, anh Chờ xuất ngũ trở về địa phương với những lo toan cho cuộc sống thường nhật, nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội và hầu như năm nào anh cũng tham gia các đợt hiến máu do địa phương tổ chức. Theo anh Chờ, những ngày mới bắt đầu hiến máu, anh bị gia đình phản đối kịch liệt vì lo sức khỏe bị ảnh hưởng nhưng do nhận thấy đây là việc làm tốt, hiến máu khoa học không ảnh hưởng đến sức khỏe nên mọi người trong gia đình dần hiểu ra.

Đến nay, anh đã có 37 lần hiến máu nhân đạo và nhiều đợt hiến tiểu cầu. Dù mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm, hễ nghe ở đâu có bệnh nhân cần máu là anh lập tức lên đường cho máu. Kỷ niệm anh nhớ nhất trong hành trình hiến máu của mình đó là vào cuối năm 2014, có một cháu bé 5 tuổi ở huyện Krông Năng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Khi nhận được tin từ y bác sĩ và người nhà bệnh nhân, anh đã tức tốc vượt quãng đường gần 30 km đến để hiến tiểu cầu, kịp cứu bệnh nhân. Anh tâm sự: “Lần đó tôi lo lắm vì mới đi làm ở rẫy về, người còn rất mệt nhưng mạng người là quan trọng nhất nên đã lao xe đi với mong muốn giúp cứu sống bệnh nhân trong cơn nguy kịch”.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar Nguyễn Thị Hoa cho biết, không chỉ tham gia hiến máu nhiều lần, anh Chờ còn tích cực vận động người thân, bạn bè cùng tham gia vào “Ngân hàng máu sống” của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để sẵn sàng hiến máu cứu người khi nguy cấp. Từ năm 2013 tới nay, anh cũng là thành viên tích cực của “Bếp ăn tình thương”, mỗi tuần 2 buổi nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar.

Trong nhiều năm, anh Chờ được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu, vận động hiến máu tình nguyện. Mới đây, anh Chờ là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội. Hiện nay anh Chờ chuyên đi làm điện dân dụng, sữa chữa ống nước để kiếm thêm thu nhập, nhưng khi được hỏi về công tác thiện nguyện trong thời gian tới, anh khẳng định, chừng nào còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục hiến máu cứu người và làm những việc ý nghĩa để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn trong xã hội.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.