Multimedia Đọc Báo in

Nghề dệt chiếu cói ở buôn Tiêu

17:48, 26/08/2019

Đến buôn Tiêu (xã Bông Krang, huyện Lắk) không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ đang miệt mài dệt chiếu như một nỗ lực níu giữ sợi cói, khung dệt vốn tồn tại từ bao đời nay bên Hồ Lắk thơ mộng.

Dù bận rộn với việc nương rẫy, ruộng vườn, nhưng một số người dân tại buôn Tiêu vẫn tranh thủ thời gian cắt cói về dệt chiếu. Trước đây, bất cứ hồ nước nào tại huyện Lắk cũng có cói nên việc cắt cói không khó khăn. Hiện nay, khi các hồ nhỏ, khu vực ruộng trũng đều được người dân cải tạo thành ruộng, thì đất sống cho cây cói không còn nhiều. Do đó, để có cói làm nguyên liệu dệt chiếu, người dân buôn Tiêu phải đi tận xã Đắk Phơi, Đắk Nuê...

Bà H'Sruông Chiê cùng với người phụ việc dệt chiếu.
Bà H'Sruông Chiê cùng với người phụ việc dệt chiếu.

Cây cói sau khi cắt về được rửa sạch, chọn lọc, phân loại kỹ lưỡng theo chiều dài để dệt các tấm chiếu phù hợp. Do đặc thù cói mọc tự nhiên, nên độ dài chủ yếu từ 1,2 – 1,4 m. Theo kinh nghiệm của người dân trong buôn, để chiếu có độ bền cao, khâu xử lý nguyên liệu ban đầu rất quan trọng. Theo đó, cói đem phơi ráo nước, nhưng tuyệt đối không được phơi trực tiếp dưới nắng nóng, tránh sợi cói bị giòn, dễ gãy.

Bước sang tuổi 71, bà H’Sruông Chiê vẫn đam mê, miệt mài với nghề dệt chiếu cói truyền thống. Bà tâm sự, tuổi cao, không đủ sức khỏe để đến các ruộng trũng, hồ nước lấy cói, nhưng những công đoạn còn lại như phơi cói, dệt chiếu thì bà đều làm được. 27 tuổi bà bắt đầu biết đến việc dệt chiếu thủ công qua một người bà con cũng trú tại buôn Tiêu. Theo bà, việc dệt chiếu đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, chịu khó và cẩn thận. Việc phối hợp giữa người dệt và người luồn sợi cói cũng phải nhịp nhàng mới cho ra sản phẩm đẹp được. Hơn 40 năm biết đến nghề này, bà không nhớ được mình đã dệt bao nhiêu chiếc chiếu, bán cho bao nhiêu người, bà chỉ nhớ được bà đã truyền nghề cho con gái và cháu gái.  

 H'Chuyên Kmăl dệt chiếu.
H'Chuyên Kmăl dệt chiếu.
 
"Nghề dệt chiếu cói không khó, việc truyền nghề cho thế hệ trẻ cũng không phải là trở ngại. Vấn đề ở đây là làm sao để sản phẩm có thể được mọi người biết đến. Do đó, những người đam mê với nghề dệt thủ công truyền thống như em mong muốn có sự kết nối giữa người thợ và các tổ chức hội, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm chiếu cói đến người tiêu dùng, khách du lịch, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và gìn giữ nghề truyền thống".
 
 H’Chuyên Kmăl tâm sự

Nghề dệt chiếu cũng được một số bạn trẻ trong buôn tìm hiểu và theo nghề. Trong một góc nhỏ của phòng khách nhà dài, một bà mẹ trẻ lưng địu theo con đang dệt chiếu rất chuyên nghiệp, đó là H’Chuyên Kmăl (SN 1990). H’Chuyên kể, nhà có mẹ làm nghề dệt chiếu, bố cũng là nghệ nhân mấy chục năm theo nghề đan gùi. Từ nhỏ, H’Chuyên đã phụ mẹ luồn sợi dệt chiếu. 12 tuổi, bắt đầu được mẹ chỉ cho các công đoạn từ chọn sợi cói, phơi cói và cách dệt chiếu.

Hiện nay, H’Chuyên là một trong những thợ dệt chiếu trẻ nhất trong buôn. Là người thợ trẻ tâm huyết với nghề dệt chiếu thủ công truyền thống, H’Chuyên không chỉ truyền đạt lại kinh nghiệm cho các bạn trẻ khác mà còn giới thiệu về nghề dệt và các sản phẩm chiếu cói của chị em trong buôn mỗi khi tham gia các chương trình hội thảo cho phụ nữ.

Chiếu cói của người M’nông ở huyện Lắk nói chung, tại buôn Tiêu nói riêng không nhuộm phẩm màu mà để màu tự nhiên của cây cói. Chiếu dệt xong được trải ngay ngắn trên nền nhà sàn, sau đó giăng lên dây cho đến khi nào khô mới cuốn lại. Để dệt một chiếc chiếu cói, 2 người thợ lành nghề phải mất từ 1 đến 2 ngày, đối với người chưa thành thạo có khi hết cả tuần. Giá bán chiếu phụ thuộc vào bề rộng của chiếu, từ 250 đến 350 nghìn đồng, tương ứng với sản phẩm rộng từ 1,2 m đến 1,6 m.

Ngày nay, khi các sản phẩm chiếu công nghiệp với đủ mẫu mã, giá cả thấp nên sản phẩm chiếu từ kiểu dệt thủ công truyền thống rất khó cạnh tranh. Do đó, chiếu dệt chủ yếu bán tại địa phương và ở các khu du lịch trên địa bàn huyện Lắk. Nguy cơ mai một nghề này là khó tránh khỏi, điều đó trở thành nỗi lo, sự trăn trở của những thợ dệt kỳ cựu như bà H’Sruông, em H’Chuyên.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.