Multimedia Đọc Báo in

Sắc hoa cài áo - nét đẹp mùa báo hiếu Vu lan

17:39, 26/08/2019

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp rằm tháng 7 âm lịch – mùa Vu lan báo hiếu - đông đảo người dân lại tập trung đến các chùa để dâng hương, hoa, khấn nguyện, tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.  Và “Hoa hồng cài áo” là một trong những nghi thức quan trọng không thể thiếu trong ngày đại lễ Vu lan...

Nâng niu cài nhành hoa lên áo, nhiều người vui sướng, hạnh phúc với đóa hồng đỏ vì bên mình còn cha mẹ; cũng có những người lại ngậm ngùi nhòa lệ cài bông màu hồng màu trắng bởi cha mẹ đã qua đời.

Cài nhành hoa trắng lên ngực áo, chị Lê Thị Lài (phật tử Chùa Sắc tứ Khải Đoan) xúc động nhớ về những vất vả, lo toan của bậc sinh thành ra mình: “Mỗi khi cài cành hoa trắng lên ngực, bao cảm xúc về mẹ, về cha lại ùa về. Những hình ảnh, kỷ niệm về công ơn các bậc sinh thành cứ hiện lên. Nhớ nhất là dáng mẹ tảo tần gánh nặng trên vai, trời mưa vẫn mang về từng món quà, miếng bánh để thỏa niềm vui con trẻ. Những kỷ niệm ấy cả cuộc đời này mình không thể nào quên được và cũng không thể nào trả hết được công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mình…”.

Nghi lễ
Nghi lễ "Hoa hồng cài áo" được tổ chức trọng thể tại Chùa Sắc tứ Khải Đoan.

Còn em Trần Thị Hồng Huệ (thôn 10, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) lại đi từ sáng sớm, vượt mấy chục cây số đến Chùa Sắc tứ Khải Đoan để thắp hương, cầu mong gia đình luôn được bình an, mạnh khỏe. Hồng Huệ chia sẻ: “Hầu như năm nào em cũng dự lễ Vu lan, tham gia nghi thức “Hoa hồng cài áo”, và lần nào cũng không kìm nén được xúc động, cảm thấy mình thật hạnh phúc khi bố mẹ vẫn còn sức khỏe, đang cùng song hành với mình trên cuộc đời này”.

 
“Lễ Vu lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, qua đó giúp mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo như  “từ, bi, hỉ, xả”, “vô ngã, vị tha” cũng như đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc”.
 
 Hòa thượng Thích Châu Quang

Theo Hòa thượng Thích Châu Quang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Trụ trì Chùa Sắc tứ Khải Đoan, ngày đại lễ Vu lan là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo từ ngàn xưa đến nay. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài hoa lên ngực thể hiện tình cảm đẹp nhất mà con cái muốn gửi đến cha mẹ của mình dù còn ở trần gian hay đã về cõi vĩnh hằng. Khi cài hoa lên ngực áo, mỗi người con đều hình dung trong mỗi bông hoa có hình ảnh mẹ cha mình hiện hữu qua từng hơi thở, nhịp đập con tim...

Trước các ban thờ, người người thành kính trang nghiêm, tự tay thắp nén nhang cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho cha mẹ, gia đình. Và khi cài một bông hồng lên ngực áo, thật gần nơi trái tim như một lời nhắc nhở giữa bộn bề những vui – buồn – được – mất của cuộc sống đời thường: Hãy sống chậm lại để biết quan tâm, yêu thương nhau hơn, dành nhiều thời gian, tình cảm hơn nữa cho gia đình, cho cha mẹ, người thân bên mình...

Các phật tử tham gia nghi lễ
Các phật tử tham gia nghi lễ "Hoa hồng cài áo" tại Chùa Sắc tứ Khải Đoan.

Xuất phát từ quan niệm của đạo Phật, ngày nay Lễ Vu lan đã trở thành dịp để những người con tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng, làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, qua đó nhằm hướng mỗi người về với giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.