Multimedia Đọc Báo in

Voi cần cuộc sống tốt đẹp hơn

09:03, 25/08/2019

Theo số liệu của ngành chức năng, năm 1980, tỉnh Đắk Lắk có hơn 500 con voi nhà khỏe mạnh nhưng nay chỉ còn khoảng 40 con phần lớn già yếu, khả năng sinh sản kém do phải lao động cật lực, ăn uống kém. Điều này cho thấy voi rất cần được bảo vệ.

Bảo vệ voi từ suy nghĩ…

Nhân Ngày Voi thế giới (ngày 12-8 hằng năm), Trung tâm Bảo tồn voi phối hợp với Bảo tàng tỉnh và Tổ chức Động vật châu Á đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị dành cho thiếu nhi, khách du lịch tìm hiểu về voi, góp phần bảo vệ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Chương trình là chuỗi những sự kiện liên quan tìm hiểu về voi như triển lãm tranh, vẽ tranh, ghép tranh, tìm hiểu kiến thức cuộc sống của voi. Đơn cử như hoạt động triển lãm tranh “Những bạn voi hạnh phúc” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho loài voi ở Việt Nam.

Triển lãm trưng bày gần 40 bức tranh đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh được tổ chức cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 tại một số trường tiểu học trên địa bàn các xã Krông Na, Ea Huar, Ea Wer và Tân Hòa thuộc huyện Buôn Đôn. Các tác phẩm đã thể hiện sự hiểu biết của các em về các loài voi, tình yêu với voi. Tranh trưng bày được phóng to từ nguyên bản gốc, mỗi thông điệp được diễn giải bằng 4 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Êđê.

Nét vẽ ngộ nghĩnh sinh động với sự sáng tạo về màu sắc của các họa sĩ nhí khắc họa nên các bạn voi khỏe mạnh, tự do thể hiện các hành động tự nhiên đa dạng như: chơi đùa, uống nước, đi kiếm thức ăn… đã gợi lên trong lòng người xem nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

Các bức tranh với chủ đề
Các bức tranh với chủ đề "Những bạn voi hạnh phúc" được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Song song với việc triển lãm tranh, chương trình tiếp tục tổ chức thi vẽ tranh ở chủ đề “Voi cần cuộc sống tốt đẹp hơn” dành cho 50 trẻ em từ 10 đến 14 tuổi sinh hoạt tại các Câu lạc bộ Mỹ thuật hay khách tham quan. Nội dung là các chú voi được thể hiện các hành vi tự nhiên, voi nhà và voi hoang dã cần được bảo vệ và chăm sóc trước những nguy hiểm đang rình rập xung quanh.

Hấp dẫn hơn cả vẫn là những câu hỏi tìm hiểu về cuộc sống cũng như đặc tính của voi. Trong đó có những kiến thức tưởng chừng như đơn giản, nhưng với nhiều người vẫn chưa hiểu rõ. Em Huỳnh Đan Phượng (13 tuổi, huyện Cư Kuin) cho hay: “Bây giờ em mới biết voi trong khu du lịch rất đáng thương, nó bị tra tấn và phải học cách chấp nhận. Quá trình huấn luyện voi rừng trở thành voi nhà rất khắc nghiệt, hay còn gọi là quá trình “bẻ gãy tinh thần”; voi con bị bỏ đói và không được uống nước để khi chúng yếu dần người ta có thể lại gần đưa thức ăn, nước uống làm thân với voi. Voi con bị cùm chân và tròng cổ bằng dây gai chúng không thể quay đầu hay bỏ trốn. Sợ bị đánh đập, voi con buộc phải học cách tuân theo mệnh lệnh của người huấn luyện”.

Với nhiều em học sinh, kể cả người lớn, dù chưa một lần được nhìn thấy voi thật, nhưng qua tìm hiểu những gì các chú voi đang bị ảnh hưởng thì việc bảo vệ voi từ trong suy nghĩ đã có những ảnh hưởng rất tích cực. Những suy nghĩ tốt sẽ dẫn đến những hành động tốt. Trong một không gian không quá rộng lớn nhưng lại có rất nhiều những hình thức tuyên truyền để bảo vệ voi quả là đáng quý.

…đến hành động

Đắk Lắk là một trong số ít những địa phương ở nước ta có sự phân bổ tự nhiên của voi, đặc biệt là Buôn Đôn - nơi duy nhất ở Việt Nam có nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Voi được xem là biểu tượng gắn liền với đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần của người dân địa phương, nó còn góp phần trong việc tạo dựng hình ảnh và ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè và du khách khi tới nơi này. Nhưng với số lượng voi đang ít dần đi thì việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm trở nên cấp thiết .

Chị Đoàn Thị Thanh Thanh - cán bộ Tổ chức Động vật  châu Á chia sẻ kiến thức  về voi  với thiếu nhi.
Chị Đoàn Thị Thanh Thanh - cán bộ Tổ chức Động vật châu Á chia sẻ kiến thức về voi với thiếu nhi.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, để duy trì sự đa dạng sinh học của các loài động vật trong tự nhiên, bảo tồn và phát triển số lượng quần thể voi nhà tại Đắk Lắk thì cần phải tạo điều kiện cho những con voi đực và voi cái trong độ tuổi sinh sản được gặp gỡ giao phối tạo ra đàn voi con.

Ngoài ra, trong tương lai, bảo tồn phát triển bền vững quần thể voi hoang dã bằng cách: bảo tồn bền vững sinh cảnh nơi có quần thể voi đang sinh sống; ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi bảo tồn tại chỗ; giảm thiểu khả năng xung đột giữa voi nhà và người tại vùng có voi phân bổ… Hay đơn giản là bảo vệ rừng - ngôi nhà của voi và các loài động vật khác, không sử dụng các sản phẩm từ voi, không cưỡi voi, không xem xiếc thú…

Đặc biệt, cần hạn chế tiến tới dừng hẳn việc sử dụng voi trong hoạt động du lịch. Bởi ở môi trường này, chúng có điều kiện sống rất tồi tệ, không được thể hiện các hành vi tự nhiên, dễ bị bệnh tật, ăn uống thiếu thốn, làm việc kiệt sức… Thay vào đó là thực hiện chuyến du lịch trải nghiệm cùng voi một cách thân thiện tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đây là loại hình du lịch liên quan đến voi có tính nhân văn duy nhất tại Việt Nam và được Tổ chức Động vật châu Á - tổ chức hoạt động về phúc lợi động vật trên toàn cầu, hoàn toàn ủng hộ.

Mô hình du lịch thân thiện với voi đặt phúc lợi của chúng lên hàng đầu, du khách có thể ngắm nhìn những sinh vật to lớn, thông minh này thể hiện hành vi hoàn toàn tự nhiên trong môi trường. Chúng được tự do vui chơi, lang thang tìm kiếm thức ăn, tương tác với các cá thể khác và đơn giản là được sống như những con voi thực thụ. Đó là trải nghiệm mà không vườn thú nào có thể sánh được.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.