Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ dám nghĩ dám làm

07:08, 19/10/2019

Năng động, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, nhiều phụ nữ đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường để làm giàu

Nhiều năm trước đây, do đất sản xuất ít, lại không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Lan (ở tổ dân phố 1, phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) rất khó khăn. Chị phải bươn chải nhiều việc từ thu mua nông sản dạo, mua cây ăn trái theo mùa để về bán lại. Cần cù, chịu khó, vợ chồng chị Lan dần tích cóp được chút vốn.

Vốn nhạy bén, chị Lan nhận thấy đa số người dân ở địa phương phải lên tận TP. Buôn Ma Thuột mua cây giống, tốn công sức và chi phí vận chuyển. Chị tìm hiểu rồi bàn với chồng mở cơ sở cung cấp cây giống. Ban đầu vợ chồng chị nhập các loại cây giống từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ hoặc các vườn ươm lớn có thương hiệu về bán; sau đó vợ chồng chị nghiên cứu rồi tự ươm cây giống sầu riêng Dona để cung cấp cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Mỗi năm cơ sở của chị cung ứng ra thị trường 200 - 300 nghìn bịch giống cây sầu riêng và khoảng 50 nghìn bịch giống các loại cây khác.

Gia đình chị cũng trồng hơn 100 cây sầu riêng Dona thu được 10 tấn mỗi năm; chị Lan còn thu mua và bán sầu riêng. Từ buôn bán nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ vài chục tấn phải xuất bán thông qua trung gian, trong vụ mùa năm 2019, mỗi ngày chị Lan thu mua khoảng 80 tấn sầu riêng và xuất bán trực tiếp sang Trung Quốc hay Đài Loan. Nhờ biết tính toán, tích cóp, đến nay vợ chồng chị Lan đã có cơ ngơi đáng mơ ước: hơn 2 ha đất trồng cây giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; xây dựng được 2 ngôi nhà khang trang và có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Chị Nguyễn Thị Lan (bên phải) trong vườn ươm cây giống của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Lan (bên phải) trong vườn ươm cây giống của gia đình.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lan còn sẵn sàng giúp đỡ những hội viên phụ nữ khó khăn về vốn để phát triển kinh tế. Hiện cơ sở cây giống của chị tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập bình quân mỗi người từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Chị còn tích cực tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ địa phương tổ chức; hỗ trợ các hoạt động từ thiện ở địa phương. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị sẵn sàng đầu tư cây giống không lấy lãi giúp họ chuyển đổi cây trồng.

Người phụ nữ giàu nghị lực làm kinh tế giỏi

Sau khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Ba, hội viên Chi hội Phụ nữ buôn Ea Mta A (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Vợ chồng chị đều làm công nhân Công ty Cao su 19-8, đồng lương ít ỏi nên phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt, ăn học cho các con.

Chị Nguyễn Thị Ba chăm sóc vườn cà phê.
Chị Nguyễn Thị Ba chăm sóc vườn cà phê.

Năm 1995, bất hạnh ập đến khi chồng chị Ba bị tai nạn giao thông dẫn đến cụt hai chân và cánh tay trái, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp đỡ. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều dồn lên đôi vai của chị. Không chịu lùi bước trước khó khăn, năm 2014 chị bàn với chồng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 250 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm để mua 6 sào vườn trồng cà phê, hồ tiêu và 40 cây bơ booth. Chị nghiên cứu, tìm hiểu trên sách báo, các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, vườn cây của gia đình chị luôn phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Có thu nhập từ vườn cây, chị Ba tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển thêm chăn nuôi với đàn bò 7 con, 8 con dê, 60 con heo thịt, gần 100 con ngan, gà và hơn 1 sào ao nuôi các loại cá trắm, cá rô, cá chép. Hiện nay từ mô hình vườn - ao - chuồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị có thu nhập gần 200 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Ba còn vận động hội viên trong Chi hội Phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, giúp đỡ những chị em khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Chị cũng tích cực tham gia các hoạt động, phong trào phụ nữ, các hoạt động ở địa phương và hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm liền chị Ba được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp biểu dương là gương điển hình về phát triển kinh tế giỏi.

Người phụ nữ Hmông tự rèn chữ, học nghề

“Tự rèn chữ, học nghề để không thua thiệt với bạn bè cùng trang lứa và góp phần phát triển kinh tế gia đình” là những lời khen ngợi mà người dân thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) dành cho chị Đào Thị Chợ (22 tuổi, dân tộc Hmông).

Chị Đào Thị Chợ khởi nghiệp bằng nghề may trang phục truyền thống.
Chị Đào Thị Chợ khởi nghiệp bằng nghề may trang phục truyền thống.

Trước đây do hoàn cảnh khó khăn nên chị Đào Thị Chợ không được đến trường mà phải ở nhà phụ giúp cha mẹ, nhường cho ba người anh trai và hai em gái đi học. Ước ao biết đọc chữ, làm toán, mỗi buổi tối khi anh em mang sách vở ra học bài thì chị Chợ cũng đến ngồi bên lấy giấy bút ra tập viết, tập đọc theo, những chữ khó hoặc không hiểu thì hỏi anh dạy đánh vần và chỉ bảo thêm. Nhờ chăm chỉ học hành, dù chưa một ngày đến trường chị vẫn biết chữ; thường xuyên đọc sách báo để có thêm kiến thức, điều đó cũng giúp chị nhận thức và tránh được hủ tục tảo hôn. Năm 2017, khi đủ 20 tuổi, chị Chợ kết hôn với anh Ngô Văn Phùng ở thôn Noh Prông.

Nhận thấy trang phục truyền thống của đồng bào Hmông là mặt hàng được ưa chuộng, chị Chợ quyết tâm học may. Tháng 3-2018 chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong xét cho vay vốn 4 triệu đồng khởi nghiệp. Từ số vốn này, chị mua một chiếc máy may để có phương tiện làm nghề. Tuy nhiên, do chưa thạo, thời gian học nghề lại dài, nếu để đồng vốn nằm một chỗ sẽ lãng phí, chị Chợ quyết định bàn với chồng mua sắm dụng cụ, mở một quầy sửa chữa xe máy để có thu nhập. Bên cạnh đó, chị tìm hiểu các chương trình dạy cắt may miễn phí trên mạng Internet để học nghề; tiếp thu bài đến đâu chị thực hành đến đó, ban đầu thực hành trên giấy báo, khi đã nắm vững kiến thức thì mua vải về may thử cho những người thân trong gia đình. Nắm được kỹ thuật cắt may kết hợp với thêu thùa do cha mẹ truyền dạy, chị tìm tòi và có thêm những sáng tạo độc đáo. Chỉ sau một thời gian ngắn chị Chợ đã biết cắt may thành thạo và cho ra nhiều sản phẩm đẹp, bắt mắt.

Những bộ trang phục của chị Chợ làm ra ngày càng được nhiều người biết đến. Không chỉ bán cho người dân trong thôn, chị còn bán qua mạng Internet nên sản phẩm làm ra đến đâu đều bán hết đến đó. Chị chia sẻ: “Một bộ trang phục truyền thống Hmông đầy đủ gồm váy, áo, dây lưng… được hoàn thành trong 5 - 7 ngày. Với giá bán trung bình 1 triệu đồng/bộ thì mỗi ngày công tôi có thu nhập từ 150.000 đồng trở lên”. Ngoài nghề may, thu nhập từ nghề sửa chữa xe máy còn mang lại cho gia đình chị thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho cuộc sống.

Phong trào khởi nghiệp của phụ nữ ngày càng phát triển. Điểm chung nhất có thể tìm thấy ở các mô hình khởi nghiệp của các bà, các chị chính là sự đảm đang, cần cù, chịu thương, chịu khó và nhạy bén. Truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam tiếp tục được dệt thêu và bồi đắp từ phong trào này.

Ninh Trang - Mỹ Hằng - Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.