Multimedia Đọc Báo in

Cà phê vợt - đậm đà hương vị xưa

13:56, 25/11/2019

Tại triển lãm Nghệ thuật thưởng lãm cà phê do Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tổ chức mới đây trong khuôn viên Bảo tàng thế giới cà phê (TP. Buôn Ma Thuột), du khách đã có trải nghiệm khó quên với nhiều phong cách thưởng thức cà phê độc đáo xưa nay, trong đó có cà phê vợt.

Cà phê vợt còn được gọi với những cái tên khác như "cà phê bít tất" hay "cà phê kho" được du nhập vào Sài Gòn xưa nhờ những người dân lao động gốc Hoa. Do đó, có thể nói cà phê vợt là sự giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Sài Gòn.

Pha cà phê vợt cần sự tỉ mỉ, công phu hơn pha cà phê phin, phải kiểm soát kỹ càng lượng nước, lượng cà phê và cả thời gian nấu. Nguyên liệu phải là cà phê ngon, nước pha phải là nước máy để khoảng 2 ngày cho bay bớt mùi, ấm nấu phải sử dụng siêu đất - loại chuyên dùng sắc thuốc bắc để giữ trọn vẹn hương thơm cà phê.

Trình diễn cách pha cà phê vợt tại Bảo tàng thế giới cà phê.
Trình diễn cách pha cà phê vợt tại Bảo tàng thế giới cà phê.

Tại triển lãm, du khách thích thú khi được tận mắt quan sát cách pha cà phê vợt cũng như được thưởng thức ly cà phê vợt đậm đà. Để có một ly cà phê ngon, bột cà phê được trộn thêm một ít đường và muối sau đó cho vào chiếc túi vải mỏng (còn gọi là vợt) rồi đặt vào một chiếc ấm bằng đất nung đã để nóng sẵn trên bếp, sau đó chế nước thật sôi vào như kiểu pha trà, khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại để cà phê tròn vị; nhiệt độ bếp nấu cà phê chỉ giữ ở mức khoảng 95 độ. Chờ khoảng 3 - 5 phút cho cà phê chiết xuất hết rồi rót nước 1 ra một cái ấm nhỏ, xong lại chế nước 1 vào vợt, giữ chặt vợt để bột cà phê không bị lắng xuống dưới đáy siêu, chờ khoảng 5 phút chắt ra nước 2 rồi lại chế vào lần nữa. Sau 3 lần chắt ra chế vào siêu như vậy là hoàn thành công đoạn pha chế cà phê vợt. Trước khi rót cà phê ra ly, phải trần sơ ly qua nước sôi để khử mùi nước máy rửa ly mới giữ trọn vẹn được hương vị cà phê khi thưởng thức.

Một điều thú vị là đồng bào Êđê nhiều hộ gia đình lâu nay vẫn thường pha cà phê vợt. Mỗi buổi sáng, sau khi khơi bếp lửa đỏ rực trong căn nhà dài, người phụ nữ Êđê ở các buôn làng lại tự tay pha chế cà phê vợt cho các thành viên trong gia đình uống trước khi bắt đầu công việc của một ngày mới. Tuy nhiên, vì công việc, cuộc sống bận rộn nên cách pha cà phê của các mẹ, các bà không cầu kỳ, tỷ mỉ như trên.

Du khách thưởng thức  cà phê vợt.
Du khách thưởng thức cà phê vợt.

Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, khi những dụng cụ pha chế cà phê ngày càng đa dạng, phổ biến hơn thì cà phê vợt dần vắng bóng, nhường chỗ cho cà phê phin hoặc pha máy. Thế nhưng những ly cà phê vợt có mùi thơm lan tỏa, đậm đà, không đắng gắt vẫn hấp dẫn bao người mỗi khi có dịp thưởng thức.

Chị Nguyễn Thị Lý, một du khách được thưởng thức cà phê vợt tại Bảo tàng thế giới cà phê chia sẻ, thưởng thức cà phê vợt chị cảm thấy mùi vị rất riêng và không hề bị nhầm lẫn, khó phân biệt như những loại cà phê chị từng uống trước đây. Với cách pha cà phê này, chị có thể uống liền mà không cần thêm đường hoặc sữa bởi nó không đắng gắt mà có vị mặn mặn, ngọt ngọt dễ chịu.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.