Multimedia Đọc Báo in

"Gánh nặng" tuổi xế chiều

09:13, 12/11/2019

Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều cha mẹ buộc phải đi làm ăn xa nên họ đành gửi con nhờ ông bà chăm sóc. Những ông bà nội, ngoại một lần nữa lại kiêm luôn vai trò làm bố mẹ của những đứa cháu non nớt. Thực tế này đang diễn ra  ở nhiều gia đình thuộc xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc).

Pí Thao ở buôn Tà Đỗ (xã Ea Hiu) không nhớ năm nay mình bao nhiêu tuổi, nhưng số điện thoại, địa chỉ của những đứa con đi làm ăn xa thì bà nhớ như in. Theo lời bà, mình phải nhớ số điện thoại, địa chỉ của tụi nó để khi mấy đứa cháu có vấn đề gì còn gọi ngay được. Gia đình bà có 7 người con thì có đến 5 người đi Bình Dương làm công nhân, để lại cho bà 4 đứa cháu, đứa lớn nhất 4 tuổi, đứa nhỏ chỉ mới 1 tuổi. Ngoài việc ruộng rẫy, một tay Pí Thao phải kiêm thêm nhiều việc chăm sóc các cháu, từ cơm nước, tắm giặt, đưa đón đi học…

Chỉ vào đứa cháu nhỏ nhất, Pí Thao ngậm ngùi: “Những ngày đầu xa mẹ nó khóc cả ngày cả đêm, lúc nào cũng phải cõng trên lưng. Xót lắm nhưng biết làm sao được. Vì hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ tụi nó phải bỏ con ở nhà mà đi làm công nhân. Tôi chỉ mong tụi nó có đủ tiền rồi thì về chứ bỏ con thế này tội lắm”.

Pí Thao thường cùng các cháu ngồi trước hiên nhà mong ngóng bố mẹ của những đứa trẻ sẽ sớm trở về.
Pí Thao thường cùng các cháu ngồi trước hiên nhà mong ngóng bố mẹ của những đứa trẻ sẽ sớm trở về.
 

Ea Hiu là xã khó khăn, diện tích đất canh tác ít, thiếu việc làm nên thanh niên đến tuổi lao động đều rời buôn đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Hiện buôn có 116 hộ dân, trong đó hơn 50% hộ có người đi làm ăn xa; có 15 gia đình cả vợ chồng đều đi, gửi con lại cho ông bà hoặc người thân chăm sóc”.

 
Ông Ai Buân Chơ, Trưởng buôn Tà Đỗ

Tương tự, bà Pí Kia ở cùng buôn năm nay đã 64 tuổi cũng mong những đứa con của mình đi làm ăn xa sớm gom góp được ít vốn rồi về. Pí Kia cho hay, các con mình đi làm công nhân thu nhập chỉ được 6 - 7 triệu đồng/tháng nhưng phải chia cho nhiều khoản như tiền nhà, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt… Đôi ba tháng mới gửi về cho bà được vài triệu đồng để lo cho cháu. Trong khi đó, 7 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn thì khoản tiền đó không đủ. “Trước đây khi ông nhà tôi còn sống, các cháu còn có đôi con cá, bữa thịt để ăn. Bây giờ chỉ một mình tôi lo từng bữa ăn cho 7 đứa cháu cả nội ngoại cực lắm”  - bà nói.

Rời buôn Tà Đỗ, chúng tôi đến nhà bà Pí Thới (buôn Ra Lu). Trước sân, Ai Đệ (6 tuổi) cháu nội Pí Thới đang giúp bà đẩy những xe rơm chất cao hơn người đi phơi. Ba đứa nhỏ hơn ngơ ngác lùi lại nép sau dáng người gầy gò của người bà lam lũ. Bốn năm trước, khi Ai Đệ được 2 tuổi, bố mẹ Ai Đệ đã phải gửi con cho bà chăm sóc để đi làm công nhân. Giờ em gái Ai Đệ mới 15 tháng tuổi cũng đã phải rời xa vòng tay của bố mẹ ở với bà. Có nhiều đêm Pí Thới phải thức trắng để dỗ dành đứa nhỏ khát sữa, nhớ mẹ quấy khóc, để chăm cho đứa khác đang lên cơn sốt... “Bình thường thì không sao, nhưng khi các cháu ốm đau, nó thèm hơi mẹ, khóc suốt. Những lúc như vậy mình mệt lắm. Chỉ mong bố mẹ tụi nó về với con. Nhưng vì điều kiện khó khăn nên chỉ dịp tết tụi nó mới về thăm con vài ngày rồi lại tiếp tục đi…”, Pí Thới thở dài. Có lẽ vì thương bà một mình vất vả nên những đứa cháu của Pí Thới cũng bớt ốm đau, ngoan hơn, biết giúp bà trông em, làm việc nhà...

Tuy đã ở tuổi
Tuy đã ở tuổi "xế chiều" nhưng Pí Thới vừa là mẹ, vừa là bố của những đứa cháu thân yêu.

Rời xã Ea Hiu, hình ảnh những người bà tuổi đã xế chiều, lưng địu cháu phơi lúa giữa trưa ở những ngôi làng chỉ còn người già và lũ trẻ, chúng tôi không khỏi day dứt. Vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, những người bố người mẹ ở các buôn nghèo của xã Ea Hiu buộc phải gửi con lại cho ông bà chăm sóc. Một lần nữa gánh nặng làm cha, làm mẹ lại trút lên vai những người ông người bà ở buổi “xế chiều”.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.