Multimedia Đọc Báo in

Làm bạn với con

09:27, 10/11/2019

Chương trình tọa đàm “Cùng con bước qua tuổi nổi loạn” do Hội Nữ trí thức tỉnh tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh.

Tại đây, các bậc phụ huynh đã chia sẻ những khó khăn mà bản thân gặp phải trong việc nuôi dạy con hay kinh nghiệm về việc tiếp cận tâm lý của con. Ngoài ra, phụ huynh cũng nhận được sự tư vấn và lời khuyên từ chuyên gia tâm lý về kiến thức, kỹ năng để cùng con vượt qua những thay đổi về tâm, sinh lý trong độ tuổi “nổi loạn”.

Phụ huynh  (bìa phải)  chia sẻ  với Tiến sĩ  tâm lý  Lý Thị Mai  về những  khó khăn trong việc  nuôi dạy con .
Phụ huynh (bìa phải) chia sẻ với Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai về những khó khăn trong việc nuôi dạy con.

Theo Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai, Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng TP. Hồ Chí Minh, mỗi một lứa tuổi đều có sự thay đổi về tâm lý, sinh lý nhất là khi trẻ đang bước vào độ tuổi vị thành niên. “Nổi loạn” là một trạng thái đánh dấu sự trưởng thành của trẻ. Khi đang phát triển để trưởng thành, trẻ thường bộc lộ cái tôi ngang bướng một cách mạnh mẽ, đầy cá tính và có xu hướng tìm cách vượt qua những quy tắc, thoát khỏi sự ràng buộc khuôn phép, chuẩn mực của gia đình và xã hội.

Đây là giai đoạn các bậc phụ huynh cần có sự hiểu biết để đồng hành cùng với con trẻ. Nếu trẻ không nghe lời hoặc phản ứng lại gay gắt thì cha mẹ đừng coi đó là hành vi làm trái ý mình và như thế là “nổi loạn” mà nên xem đó là điều hợp với quy luật. Để có thể cùng con vượt qua những khó khăn nhất trong độ tuổi “nổi loạn”, các bậc phụ huynh cần học hỏi từ sách vở, kinh nghiệm của những người đi trước, thậm chí tham gia những lớp học dành cho các ông bố, bà mẹ để có thêm kiến thức, kỹ năng dạy con phù hợp với sự phát triển của trẻ theo từng độ tuổi. Khi đó sẽ không còn sự "nổi loạn" như chúng ta vẫn thường thấy ở trẻ mà là sự thú vị của cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên.

 

"Với những kiến thức bổ ích, thú vị từ Chương trình tọa đàm “Cùng con bước qua tuổi nổi loạn”, hy vọng phụ huynh sẽ có thêm phương pháp phù hợp để cùng con bước qua tuổi “nổi loạn” một cách nhẹ nhàng, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ".

 
 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trần Thị Phong

Thông qua chương trình, các phụ huynh nắm bắt được và hiểu rõ hơn về những giai đoạn, biểu hiện trong thời kỳ “nổi loạn” của trẻ, từ đó có những phương pháp, cách giải quyết phù hợp để hướng con tới sự hoàn thiện, cân bằng nhất.

Chị Thân Thị Kim Phương (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, con gái đầu của chị năm nay 13 tuổi. Cháu dậy thì khá sớm nên ngoài những biến đổi về cơ thể thì tính cách, suy nghĩ cũng khác rất nhiều khiến chị Phương vô cùng lo lắng. Sợ con còn quá nhỏ, chưa thể hiểu hết được những điều phức tạp của cuộc sống nên chị Phương khá khắt khe với con. Những việc chị làm chỉ vì muốn tốt cho con nhưng cháu lại cảm thấy gò bó và nghĩ rằng mẹ không thương mình khiến cho mối quan hệ của hai mẹ con trở nên căng thẳng, không tìm được tiếng nói chung. Với mong muốn gỡ rối những vướng mắc đang gặp phải trong việc nuôi dạy con nên chị đã quyết định tham gia chương trình.

Chị tâm sự: “Sau khi được trò chuyện với những phụ huynh có con cùng độ tuổi với con mình và lắng nghe những chia sẻ từ chuyên gia tâm lý, bản thân tôi đã vỡ lẽ ra được nhiều điều. Để có thể cùng con bước qua những giai đoạn khó khăn nhất trong độ tuổi “nổi loạn” này, ngoài việc có kiến thức về lứa tuổi thì những người làm cha làm mẹ nên chấp nhận sự thay đổi từ con cũng như dành thời gian lắng nghe, trò chuyện với trẻ để hiểu hơn về suy nghĩ, nguyện vọng của con”.

Em Phạm Phương Anh bày tỏ suy nghĩ của mình tại Chương trình tọa đàm “Cùng con bước qua tuổi nổi loạn”.
Em Phạm Phương Anh bày tỏ suy nghĩ của mình tại Chương trình tọa đàm “Cùng con bước qua tuổi nổi loạn”.

Không chỉ phụ huynh, tại chương trình các em đang trong độ tuổi “nổi loạn” cũng có cơ hội chia sẻ và bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bản thân. Em Phạm Phương Anh (13 tuổi) trải lòng: “Từ trước đến nay, em luôn cảm thấy áp lực trước những yêu cầu bố mẹ đặt ra cho mình từ việc học hành, ăn mặc đến quan hệ bạn bè. Nghĩ bố mẹ không hiểu mình nên khi có chuyện, em thường chọn cách giấu kín hoặc tâm sự với bạn bè. Được trò chuyện với chuyên gia tâm lý, em hiểu ra rằng mình cần mạnh dạn, thoải mái chia sẻ mọi điều với bố mẹ như những người bạn để biết được bố mẹ cần gì ở em và em cần gì từ bố mẹ, giúp cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình trở nên thân thiết và gần gũi hơn.”

Mỗi một đứa trẻ là một cá thể độc đáo, có những điểm riêng biệt nên các bậc phụ huynh cần chấp nhận, tôn trọng ý kiến, sở thích của trẻ; đồng thời phải có kiến thức về lứa tuổi để cùng làm bạn với con và cùng lớn lên bên con - đó là thông điệp mà chương trình "Cùng con bước qua tuổi nổi loạn" gửi đến cho những người làm bố, làm mẹ.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.