Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên tình yêu biển, đảo quê hương

09:05, 11/11/2019

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của người dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên là một trong những hoạt động đem lại hiệu quả tuyên truyền và giáo dục cao. Triển lãm đã giới thiệu tới đông đảo các bạn học sinh, sinh viên những tư liệu lịch sử, căn cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.

Mọi người được xem và tìm hiểu bộ tranh vẽ với chủ đề “Lược sử Việt Nam” tóm tắt quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương đến thời kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động thăm dò, khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo; các bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian qua…

Các bạn sinh viên tìm hiểu các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Các bạn sinh viên tìm hiểu các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cùng các hình ảnh, tư liệu được trưng bày theo phương pháp truyền thống, chương trình cũng thu hút người xem bởi không gian trình chiếu triển lãm số 3D. Một số tư liệu có giá trị pháp lý cao như: thư tịch, châu bản, bản đồ cổ Việt Nam, bản đồ các nước phương Tây, bản đồ Trung Quốc… đã được số hóa và tích hợp dưới dạng âm thanh, văn bản trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D cho phép người dùng tương tác trực tiếp (phóng to, thu nhỏ), tự do đi lại và khám phá trong không gian ảo như thật. Các hiện vật có kích thước lớn, phức tạp mà trong thực tế rất khó vận chuyển và trưng bày như mô hình Tàu hải đội Hoàng Sa, Tượng đài đội Bắc Hải, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển… cũng được công nghệ 3D hiển thị một cách trực quan và rõ ràng nhất.

Ngoài phần giới thiệu các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực trưng bày các con tem bưu chính với chủ đề “Chung tay bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam” với những hình ảnh về chủ quyền biển, đảo; về sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam cũng thu hút đông đảo bạn trẻ tìm hiểu.

 
"Thông qua những tấm bản đồ, tư liệu và hiện vật về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triển lãm đã giúp cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên của trường có thêm kiến thức, những góc nhìn, nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Từ đó sẽ có những hành động thiết thực, công trình tìm hiểu, nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo trong thời kỳ mới".
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên

Thông qua triển lãm, các bạn học sinh, sinh viên đã được cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chủ quyền và quyền thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bạn Đoàn Xuân Viên (sinh viên ngành Quản lý đất đai, khoa Nông Lâm) chia sẻ: “Triển lãm đã đưa vấn đề biển, đảo đến gần hơn với các bạn sinh viên, từ đó giúp chúng em có thêm kiến thức và cái nhìn đúng đắn về chủ quyền biển, đảo của quốc gia; biết rõ hơn về những bằng chứng, những việc mà Việt Nam đã làm để tuyên bố chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Em cũng đã giải đáp được thắc mắc của bản thân về cuộc Hải chiến Trường Sa và tình hình hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay.” 

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và trách nhiệm của bản thân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bạn Hồ Thị Quỳnh Như (sinh viên năm thứ hai) cho biết: “Sau khi tham gia buổi triển lãm, em biết được mình cần làm gì và làm được gì để góp phần bảo vệ Tổ quốc. Đó là chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về chủ quyền của biển, đảo Tổ quốc và lịch sử của Việt Nam để có thể đấu tranh ngôn luận trên các kênh mạng xã hội với các thành phần cực đoan trong và ngoài nước; hay tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo đến người thân, gia đình và các bạn sinh viên khác để cùng nhau chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia”.

Triển lãm thu hút đông đảo người dân, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu.
Triển lãm thu hút đông đảo người dân, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu.

Có thể thấy, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.