Multimedia Đọc Báo in

Đưa công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động về tận vùng sâu

10:02, 09/12/2019

Thời gian qua, để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh hiểu biết đầy đủ về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Lắk và M’Đrắk là 2 huyện của tỉnh được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ về XKLĐ dành cho các huyện nghèo trong cả nước theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 9-7-2015 của Chính phủ (Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm) và Thông tư số 15/2017/TT-BTC, ngày 15-2-2017 của Bộ Tài chính.

Theo đó, NLĐ thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số khi có nguyện vọng XKLĐ sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ; bồi dưỡng kiến thức cần thiết (tối đa 530.000 đồng/người/khóa học); hỗ trợ tiền ăn với mức 40.000 đồng/người/ngày; tiền ở mức 300.000 đồng/người/tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân mức 400.000 đồng/người; chi phí đi lại; chi phí khám sức khỏe (tối đa 750.000 đồng/người)...

Đối với NLĐ thuộc hộ cận nghèo và NLĐ khác cư trú dài hạn tại huyện nghèo cũng được hỗ trợ từ 50 - 70% so với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách này thì NLĐ (hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp) của huyện Lắk và M’Đrắk khi có nguyện vọng XKLĐ cũng được vay vốn với mức vay, thời hạn vay, lãi suất… rất ưu đãi.

Người lao động trên địa bàn huyện Lắk tìm hiểu các thông tin về xuất khẩu lao động.
Người lao động trên địa bàn huyện Lắk tìm hiểu các thông tin về xuất khẩu lao động.

Với rất nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi như vậy, nhưng hoạt động XKLĐ tại huyện M’Đrắk và huyện Lắk vẫn còn gặp khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Sở LĐ-TB&XH thì nguyên nhân này là do công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; người dân vẫn chưa nhận thức rõ về vai trò và lợi ích mà XKLĐ mang lại…

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Phượng, để người dân, NLĐ các xã vùng sâu, vùng xa hiểu hết được quyền lợi và nghĩa vụ của người đi lao động, làm việc nước ngoài, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều hoạt động để đẩy mạnh công tác này. Mới đây nhất, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tuyên truyền, đối thoại và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ về công tác đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại hai huyện nghèo này. Do thiếu kiến thức về XKLĐ nên người dân chưa mặn mà, còn e ngại, lo lắng với việc đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, việc tuyên truyền, thông tin về các hoạt động liên quan đến việc đưa người đi lao động ở nước ngoài là việc làm rất “đúng” và “trúng”. Từ đó sẽ góp phần mở ra hướng giải quyết việc làm, nhất là với thanh niên trong tuổi lao động ở các vùng sâu, vùng xa.

Người lao động trên địa bàn huyện M'Đrắk tìm hiểu các thông tin về xuất khẩu lao động.
Người lao động trên địa bàn huyện M'Đrắk tìm hiểu các thông tin về xuất khẩu lao động.

Chị H’Lao Niê (SN 1986, trú buôn M’Um, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) cho hay: “Lúc trước, tôi rất ngại và mù mờ thông tin về việc đi làm ở nước ngoài vì sợ rủi ro, bị lợi dụng sức lao động, điều kiện ăn ở không biết ra sao… Nay được tuyên truyền thì tôi đã hiểu rõ hơn về vấn đề này nên sắp tới tôi sẽ đăng ký làm hồ sơ đi Đài Loan hoặc Malaysia”. Còn anh Nguyễn Xuân Bái (SN 1995, trú thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) thì tỏ ra phấn khởi khi được tuyên truyền, phổ biến về các chính sách hỗ trợ khi đi làm việc ở nước ngoài, cộng với việc nhận thấy mình đáp ứng được các đặc điểm, yêu cầu của nhà tuyển dụng nên đã mạnh dạn đăng ký tham gia đi XKLĐ tại thị trường Nhật Bản.

Chính từ những hoạt động này đã góp phần giúp cho số lượng NLĐ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài của hai huyện này ngày càng được tăng lên. Nếu như trong năm 2018, huyện M’Đrắk chỉ có 25 người đăng ký và đi làm việc ở nước ngoài thì từ đầu năm 2019 đến nay đã có 50 lao động đăng ký tham gia. Còn tại huyện Lắk, trong năm 2018 chỉ có 6 người đi XKLĐ, đến nay đã có 23 lao động đăng ký tham gia với mong muốn cải thiện đời sống, tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 23-9-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Theo đó, đối với NLĐ, mức vay tối đa là 100 triệu đồng; thời hạn vay vốn tối đa là 120 tháng (so với Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, các mức vay và thời hạn vay ưu đãi được tăng lên gấp đôi).

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.