Multimedia Đọc Báo in

Món quà ý nghĩa ngày Xuân

10:12, 16/01/2020

Thời trai trẻ, cha tôi, một chàng trai Hà Nội đang làm trong một cơ quan Nhà nước có không ít cô gái xinh tươi để ý.

Thế mà không hiểu nguyên cớ gì trong một chuyến công tác, ông đã gặp và mê đắm mẹ - cô thanh niên xung phong “Chưa thấy mặt người đã nghe tiếng hát”. Tiếp nối “truyền thống” gia đình, tôi cũng đã phải lòng một chiến sĩ công binh chuyên phá đá, mở đường.

Trường trung học cơ sở nơi tôi giảng dạy kết nghĩa cùng đơn vị anh. Đêm giao lưu văn nghệ, tôi đảm nhận dẫn chương trình. Ngày tổng duyệt, lãnh đạo hai bên đều nhất trí rằng phải có một tiết mục song ca giữa hai đơn vị. Thế là tôi và anh được chọn. Lý do ban đầu khiến chúng tôi gặp nhau là như thế. Lúc cùng tập luyện, anh nhất quyết hát bài “Người con gái sông La” của Doãn Nho. Khi cất lên câu hát “Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam” thì tôi bị thuyết phục hoàn toàn và phải luyện giọng rất kỹ để cùng anh hoàn thành bài hát đó.

Anh bận bịu cùng đơn vị thi công hết công trình này đến công trình khác. Thời gian hẹn hò, gặp gỡ không nhiều nhưng cũng đủ để đôi trái tim cảm nhận sâu sắc không thể sống thiếu nhau trong đời. Ngày chúng tôi kết hôn, tuổi trẻ hai cơ quan cùng xúm vào lo từ khâu trang trí, hậu cần đến các tiết mục văn nghệ. Hôm ấy cha mẹ tôi có mặt, nụ cười rạng ngời như hoa xuân. Không chỉ gả con gái, ông bà còn cho đôi trẻ về ở cùng, để có nơi an cư lạc nghiệp, vả lại các cháu sau này được ẵm bế, chăm sóc, thêm yên tâm công tác. Chỉ ngặt một nỗi, những ngày lễ Tết, bận bịu việc quân, anh ít khi được về thăm nhà, vui Tết bên gia đình. Thôi thì, là vợ lính dẫu thời bình…

Bánh mứt, trà là những món quà gợi nhớ văn hóa Tết xưa.
Bánh mứt, trà là những món quà gợi nhớ văn hóa Tết xưa.

Đơn vị anh làm nhiệm vụ ở vùng biên Đắk Lắk. Bất ngờ một ngày tháng Chạp, anh thông báo: “Năm nay nhà mình sẽ ăn Tết sớm nhé, anh sắp về”. Mỗi câu thông báo ngắn gọn qua điện thoại ấy mà tôi thuộc nằm lòng, hăng hái phóng xe ra chợ mua gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong về gói bánh chưng, bánh tét. Trong khi đó bà ngoại cẩn thận làm thêm món mứt dừa, bánh in, khô mè, còn ông ngoại mua cho cu con hai bộ quần áo mới. Hôm nào nhà tôi cũng đỏ đèn đến tận khuya.

Ngày anh về, nhà vui như hội, hàng xóm làng giếng đến thăm hỏi râm ran. Thời gian trôi nhanh như tên bắn, cậu con trai luyến thoắng: “Con vui nhất mỗi khi bố về. Con tự hào về bố lắm”. Riêng tôi cứ băn khoăn, chọn quà gì để Tết này cả nhà vẫn giữ mãi cảm giác đủ đầy, ấm cúng. Phương án được mọi người nhất trí là biểu diễn văn nghệ. Mở đầu ông bà ngoại song ca “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, cậu con trai diện quần áo mới líu lo “Cả nhà thương nhau”, và vợ chồng tôi nối tiếp ngày bằng “Hành khúc ngày và đêm” rồi cả đại gia đình cùng hòa ca “Hát về anh người chiến sĩ biên cương”:

Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn

Mang trong trái tim anh trọn niềm tin

Xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương

Xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương....

Ngày bịn rịn chia tay, tôi cứ nghĩ rồi đây món quà này không chỉ bên anh trong những ngày Tết đến Xuân về mà sẽ đồng hành cùng tất cả thành viên trong gia đình suốt năm mới.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.