Multimedia Đọc Báo in

Người mang thư viện về buôn

07:13, 29/01/2020

Nhận thấy trẻ em vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện để đọc sách, Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, người khởi xướng dự án “Thư viện về buôn” đã âm thầm đi xin sách để hiện thực giấc mơ “phủ sóng” thư viện đến tận các buôn làng.

Với quan điểm đơn giản “sách phải được mang đến nơi cần sách”, từ ý tưởng, “Thư viện về buôn” đã trở thành một dự án phi lợi nhuận được anh Tuấn hiện thực bằng những cách làm khác biệt. Ban đầu, anh “gõ cửa” những người thân, bạn bè để… xin sách. Tuy nhiên, khi nhận thấy đây không phải là cách làm hiệu quả, lâu dài, anh Tuấn nghĩ ngay đến cộng đồng khởi nghiệp, và ý tưởng của anh được mọi người nhiệt tình ủng hộ.  “Phiên chợ xanh tử tế” ra đời ngoài mục đích giúp cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh có một không gian trưng bày, giới thiệu, thương mại sản phẩm thì 10% lợi nhuận từ phiên chợ được mọi người chia sẻ để đồng hành với Tuấn “mang thư viện về buôn”.

Anh Phạm Thanh Tuấn sưu tầm nhiều cuốn sách quý để phục vụ bạn đọc.
Anh Phạm Thanh Tuấn sưu tầm nhiều cuốn sách quý để phục vụ bạn đọc.

Qua 3 lần tổ chức “Phiên chợ xanh tử tế” với chương trình “Đổi sách, truyện cũ lấy bơ sáp, rau sạch, sen đá”, anh Tuấn đã huy động được hơn 1.600 đầu sách cùng 11 triệu đồng. Từ sự chung tay này, hai “Thư viện” đầu tiên đã được anh Tuấn cùng Ban Quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và những mạnh thường quân mang về 2 trường học ở những vùng khó khăn của huyện Ea H’leo và Cư M’gar.

Trường THCS Ngô Mây ở buôn Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar là điểm thứ 2 trong năm 2019 đón nhận dự án “Thư viện về buôn”. Với 500 đầu sách, “Thư viện về buôn” là món quà đặc biệt ý nghĩa mà Ban Quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột dành tặng cho cô trò của nhà trường đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thầy Mai Văn Chuyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cảm kích nói: “Trong điều kiện học tập còn khó khăn của trường thì đây thực sự là một món quà ý nghĩa. Nhà trường sẽ cố gắng vận hành hiệu quả thư viện để góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh và giáo viên trong trường”.

 Trẻ em buôn Ea M’droh đọc sách tại thư viện Trường THCS Ngô Mây.
Trẻ em buôn Ea M’droh đọc sách tại thư viện Trường THCS Ngô Mây.

Nói về những nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, anh Phạm Thanh Tuấn tâm sự: “Mình là người mê đọc sách. Chính vì vậy bản thân cũng muốn làm gì đó để lan tỏa đam mê đến mọi người, nhất là giới trẻ”. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà anh nhận công việc quản lý vận hành Đường sách. Với anh, ngoài sứ mệnh của Đường sách là lan tỏa văn hóa đọc, tình yêu sách trong cộng đồng thì việc đưa sách về với trẻ em vùng sâu, vùng xa, cũng là một trách nhiệm cao cả. Chính vì vậy, năm 2020, Ban Quản lý Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ tiếp tục đưa “Thư viện về buôn” về vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

“Để có được 50 thư viện trong năm 2020, mình đang nỗ lực “gõ cửa” các nhà xuất bản, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp sức cũng như kêu gọi cộng đồng chung tay. Và điểm mới của các thư viện lần sau là sẽ có thêm các trải nghiệm gắn với công nghệ như: công nghệ in 3D, lập trình robot và các stem công nghệ theo quan điểm “giáo dục mở” nhằm giúp các em vùng sâu vùng xa tiếp cận với sáng tạo công nghệ, thêm yêu và say mê với khoa học”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.