Multimedia Đọc Báo in

Việc làm bình dị mà cao quý

08:58, 30/01/2020

Đảm nhận các công việc khác nhau trong xã hội, nhưng bằng trách nhiệm và tình yêu với mảnh đất quê hương, mỗi việc làm thường ngày của họ tuy bình dị nhưng thật đáng trân quý. 

Tự bỏ tiền khoan giếng để dân không bị khát

Từ năm 2017 trở về trước, cứ mỗi khi mùa khô đến, người dân buôn Cư Hriết và Ea Brơ, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) lại chật vật vì thiếu nước sinh hoạt, phải ra suối tắm giặt và gùi nước về sử dụng. 

Thấy bà con bao năm vất vả vì thiếu nước, ông Y Mưng Niê, Đội phó Đội công tác 253 xã Cư Pơng, Bí thư Chi bộ buôn Cư Hriết không đành lòng. Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình, ông bỏ ra 27 triệu đồng và vay mượn thêm 17 triệu đồng để khoan giếng ngay bên cạnh nhà cho người dân cùng sử dụng. Nhờ vậy, hơn 2 năm nay, gần 50 hộ dân xung quanh không còn lo cảnh thiếu nước như trước nữa.

Ông Y Mưng Niê (bìa phải) trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống của người dân trong buôn.
Ông Y Mưng Niê (bìa phải) trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống của người dân trong buôn.

Cũng là người dân tộc thiểu số, hơn ai hết, ông Y Mưng hiểu rất rõ muốn người dân tin tưởng thì phải luôn sống thật cái bụng, luôn làm việc có lợi cho dân. Hơn 20 năm gắn bó với công tác phát động quần chúng, việc lớn, việc nhỏ của các buôn đều đến tay ông. Là người có uy tín, ông được giao đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ của các buôn Cư Hiem, Ea Brơ, Cư Hriết để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đoàn thể các buôn, phát triển đảng viên người dân tộc tại chỗ; tuyên truyền, vận động bà con phát huy truyền thống của mảnh đất Cư Pơng anh hùng… 

Để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, Y Mưng đã “làm gương” ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc 2,5 ha cà phê, trồng xen bơ, sầu riêng, chăn nuôi thêm heo, gà, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Khi có kinh nghiệm, ông hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, tưới nước tiết kiệm, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập để không phải bán đất, không phải rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt”. 

Tự hào kể về các Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen các cấp đã được tặng thưởng, nhưng với Y Mưng, niềm vui lớn nhất là buôn làng đang khởi sắc, cuộc sống đồng bào ngày càng khá hơn, bà con phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước…

 “4 cùng” với học sinh vùng biên

Đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Ea Súp,  hình ảnh gây ấn tượng với chúng tôi là việc cô Nguyễn Thị Hường tận tình hướng dẫn các em tự học, vệ sinh phòng ở, xếp nội vụ, chăm sóc mảnh vườn nhỏ và cùng tập luyện bóng chuyền, cầu lông với các em… 

Cô Nguyễn Thị Hường hướng dẫn học sinh xếp tư trang trong phòng ở.
Cô Nguyễn Thị Hường hướng dẫn học sinh xếp tư trang trong phòng ở.

Phần lớn học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Để học sinh yên tâm học tập, cô Hường và các thầy cô giáo trong trường phải vừa dạy vừa “dỗ” học sinh, xem các em như người thân trong gia đình. 

 
“Đã 2 năm rồi người dân buôn Ea Brơ và Cư Hriết không còn lo thiếu nước. Bà con thường gọi đây là “giếng nước Thạch Sanh” vì cứ vào tháng 3 hằng năm, các giếng trong buôn đều cạn nhưng riêng giếng nhà Y Mưng vẫn đủ nước cho người dân dùng.”
 
 Amí Phách, ở buôn Ea Brơ

Là giáo viên chủ nhiệm, ngay từ đầu năm học, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, cô Hường phân chia phòng ở nội trú phù hợp theo địa bàn giúp học sinh nhanh chóng làm quen và hòa nhập với môi trường mới. Mỗi buổi sáng, cô tranh thủ đến sớm hướng dẫn các em cách thu dọn phòng ở, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị trang phục đến lớp và có mặt trong mỗi bữa ăn của học sinh để động viên các em. Nắm bắt tâm lý của học sinh khi mới xa gia đình thường hay tủi thân, nhớ nhà, cô Hường đã gần gũi, tỉ tê trò chuyện, tổ chức sinh hoạt tập thể,hướng dẫn các em tăng gia sản xuất gây quỹ lớp, vui chơi cùng các em…

Nhằm giúp các em vươn lên trong học tập, cô Hường chia lớp thành 4 tổ, mỗi tổ có cả học sinh khá và trung bình, xây dựng các mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, “Hoa điểm 10”, “Phòng ở kiểu mẫu” để các em thi đua, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi buổi tối, cô lại có mặt ở trường hướng dẫn các em tự học, kèm cặp những học sinh yếu. 

Không chỉ là một giáo viên chủ nhiệm hết lòng vì học sinh, cô Hường còn là một trong những giáo viên có nhiều thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học các cấp. Sau khi khảo sát, lựa chọn những học sinh có năng lực, cô Hường tổ chức ôn tập kiến thức cho các em theo hình thức “cuốn chiếu” từng chuyên đề, tìm hiểu thêm thông tin trên mạng Internet, tài liệu tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để soạn giáo án phù hợp. Nhờ vậy, năm học nào nhà trường cũng có học sinh giỏi môn Sinh học cấp huyện và cấp tỉnh.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.