Multimedia Đọc Báo in

Nuôi "thủy quái" trong rừng sâu

09:06, 23/02/2020

Nằm sâu trong khu vực rừng bên hồ Lắk thơ mộng thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng (BQL) Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk có một nơi đang nuôi dưỡng, bảo tồn loài cá sấu xiêm quý hiếm.

Sống chung với… “thủy quái”

Cùng với Giám đốc BQL rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk Nguyễn Đức chúng tôi đến thăm khu vực “đảo” nơi đang nuôi, bảo tồn loài “thủy quái” nước ngọt - loài cá sấu xiêm to lớn, quý hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm. Gọi là "đảo" bởi khu vực rừng này rộng hơn 60 ha một bên tiếp giáp với nương rẫy, ruộng lúa của người dân (xã Yang Tao, huyện Lắk), phần còn lại được bao quanh bởi hồ Lắk.

Từ thị trấn Liên Sơn để đến được khu rừng này có hai lựa chọn: đi xe máy hoặc đi thuyền, thời gian di chuyển là tương đương nhau. Do chiếc thuyền của đơn vị bị hỏng nên anh Đức chở chúng tôi đi bằng xe máy. Sau gần một giờ di chuyển băng qua những cánh đồng, nương rẫy của người dân, khu rừng xanh tươi hiện ra với nhiều loại cây cổ thụ lớn. Vừa đặt chân vào rừng, không khí mát mẻ, trong lành đẩy lùi cái nóng nực của mùa khô mà chúng tôi hứng chịu suốt quãng đường di chuyển. Băng qua lối mòn nhỏ rợp bóng cây rừng, chúng tôi đến Trạm động vật hoang dã (thuộc BQL rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk).

Nhân viên Trạm Động vật hoang dã thuộc BQL Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk cho cá sấu ăn.
Nhân viên Trạm Động vật hoang dã thuộc BQL Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk cho cá sấu ăn.

Tiếp đón chúng tôi, anh Huỳnh Thái Diệp, Trạm trưởng Trạm Động vật hoang dã hướng tay về phía trước mặt trạm, nơi có những chiếc ao nuôi được bao bọc bởi những bức tường xây, trên giăng dây thép gai cao quá đầu người và giới thiệu: đó là nơi nuôi dưỡng loài “thủy quái” của trạm. “Loài này hung dữ lắm, lúc cho ăn, chăm sóc mà không cẩn thận sẽ bị chúng tấn công liền. Mỗi lần anh em trong đơn vị muốn dọn dẹp bờ ao thì phải tập trung đông người, dùng sào khua trên bờ để xua đuổi không cho cá sấu xiêm lên bờ. Nếu không cẩn thận với cú đớp của những con cá sấu trưởng thành nặng khoảng 250 kg thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Diệp cho hay.

Quả không hổ danh là “quái vật”, khi nghe những âm thanh do anh Diệp đạp chân vào cánh cửa của chiếc ao, những con cá sấu xiêm dài khoảng 3 mét da sần sùi, đen nhánh như những thân cây rừng ngâm lâu dưới bùn bất ngờ phóng ra từ đám bèo lao lên bờ. Những bước chân của chúng nện xuống nền đất thình thịch, những thân hình to lớn, đồ sộ lao nhanh đến nơi được cho ăn. Đến nơi, chúng nằm im trong tư thế sẵn sàng đớp những con vịt sống được vứt vào trong, với cú đớp như búa bổ lũ vịt không có cơ hội sống sót nào. Khi đã có con mồi, chúng lao trở lại hồ, thong thả tận hưởng bữa ăn. Ở một ao khác bên cạnh, những con cá sấu xiêm nhỏ có tuổi đời từ 2 - 7 tuổi chen chúc nhau, đang ngấu nghiến những miếng phổi, lòng heo và vịt đã được cắt nhỏ.

Nỗi lo bảo tồn loài cá quý

Theo anh Nguyễn Đức, Giám đốc BQL rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk, khu vực hồ Lắk và những vùng đầm lầy thuộc xã Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lắk) trước đây từng là nơi sinh sống của cá sấu, nhưng sau đó theo thời gian, môi trường sinh sống thay đổi nên chúng không còn xuất hiện trong tự nhiên nữa.

Vào năm 1998, với mục đích bảo tồn nguồn gen, một cặp cá sấu xiêm bố mẹ đã được đưa về đây nuôi dưỡng. Từ đó đến nay, số lượng cá sấu xiêm tăng lên. Đặc biệt, ba năm trở lại đây, qua tìm hiểu, nhân viên của Trạm đã thử ấp nở trứng cá sấu bằng phương pháp nhân tạo. Theo đó, khi có một con cá sấu cái làm tổ, nhân viên của trạm theo dõi cho đến khi trứng cá sấu còn khoảng 15 ngày nữa nở thì sẽ lấy về dùng trấu ủ, bóng điện thắp sáng để tạo đủ độ ấm giúp tăng thêm khả năng chào đời thành công cho cá sấu con.

Một con cá sấu trưởng thành được nuôi ở Trạm Động vật hoang dã.
Một con cá sấu trưởng thành được nuôi ở Trạm Động vật hoang dã.

Theo các nhân viên bảo vệ rừng của Trạm, ở ngoài tự nhiên trước khi đẻ trứng cá sấu mẹ sẽ thu gom nhiều loại nguyên liệu để làm tổ, sau đó tấp đất lên rồi nằm canh. Còn khi nuôi dưỡng, nhiều loại nguyên liệu để cá sấu mẹ làm tổ không có nên lượng nhiệt cung cấp cho trứng nở không đủ, do đó việc can thiệp vào quá trình ấp trứng sẽ làm tăng tỷ lệ trứng nở. Sau khi nở, cá sấu con được thả vào một chiếc bể rồi tập cho ăn, đến khi ăn thành thạo thì đưa vào nuôi chung với cá sấu lớn. Việc chăm sóc như thế sẽ đảm bảo tỷ lệ sống cao cho cá sấu con vì tránh được rủi ro do các loài chim ăn thịt…

Tuy nhiên, với 57 con cá sấu hiện nay (14 con cá sấu bố mẹ, 43 cá sấu con từ 2 - 7 tuổi) cũng tạo ra những áp lực đối  với BQL rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk. “Hiện tại, cơ sở vật chất của đơn vị đảm bảo được việc nuôi nhốt cá sấu, tuy nhiên về lâu dài, số lượng cá sấu tăng liên tục sẽ khiến việc nuôi nhốt quá tải. Chính vì vậy, đơn vị mong muốn cấp trên có phương án phù hợp để vừa có thể bảo tồn, phát triển loài cá sấu quý hiếm, nhưng cũng đảm bảo các điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc”, anh Đức kiến nghị.

Cá sấu xiêm có tên khoa học là Crocodylus siamensis, còn gọi là cá sấu Thái Lan hay cá sấu nước ngọt, thuộc nhóm IB - nhóm các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Chúng phân bố tại các nước: Brunei, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Trong điều kiện tự nhiên chúng thích sống ở các vùng nước chảy chậm như: đầm, sông và hồ. Do bị săn bắt nên loài cá sấu này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.