Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp

08:53, 26/03/2020

Với nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ, nhiều thanh niên huyện Krông Pắc đã quyết tâm khởi nghiệp trên chính vùng quê mình sinh sống. Trong hành trình lập thân, lập nghiệp ấy, tổ chức Đoàn đã tạo môi trường, động lực giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Ea Phê có 10 thành viên là đoàn viên thanh niên thực hiện mô hình nuôi cá lồng ở đập Krông Búk hạ từ tháng 6-2019.

Anh Lưu Văn Hòa, Bí thư Đoàn xã Ea phê, cũng là thành viên HTX chia sẻ: nhận thấy nhiều thanh niên địa phương chưa có công việc ổn định, đời sống còn khó khăn, trong khi đó, địa phương có lợi thế diện tích mặt nước nhưng hoạt động đánh bắt cá tự nhiên nơi đây còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao nên anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Đoàn cấp trên, vận động thanh niên địa phương cùng nhau góp vốn phát triển mô hình kinh tế nuôi cá lồng.

Thành viên  HTX Nuôi trồng thủy sản Ea Phê kiểm tra cá  diêu hồng nuôi trong các  lồng bè.
Thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Ea Phê kiểm tra cá diêu hồng nuôi trong các lồng bè.

Các thành viên góp vốn 30 triệu đồng/người để nuôi 10 lồng cá (cá rô, diêu hồng, cá lăng) với tổng diện tích lồng bè là 450 m2. Sau 6 tháng nuôi, 4 lồng cá diêu hồng, 4 lồng cá rô của HTX đều phát triển khá tốt, trọng lượng trung bình khi xuất bán đạt 0,9 - 1 kg/con. Đầu tháng 1-2020, HTX thu hoạch lứa cá rô và diêu hồng đầu tiên được 4 tấn. Với giá bán ra thị trường trung bình cá rô là 33.000 đồng/kg và cá diêu hồng là 45.000 đồng/kg, HTX đã thu khoảng 140 triệu đồng. Riêng 2 lồng cá lăng, sau 2 năm nuôi mới xuất bán, dự tính nếu phát triển tốt sẽ đạt 2- 2,5 kg/con.

Theo anh Phan Đình Lưu, Giám đốc HTX, việc nuôi các loại cá này trong lồng bè là lựa chọn hiệu quả vì không đòi hỏi vốn nhiều, thu hồi vốn nhanh, lãi hơn nhiều so với trồng cà phê, tiêu... HTX xác định 2 năm đầu chủ yếu tích lũy kinh nghiệm, tiền lãi thay vì chia cho các thành viên sẽ được tiếp tục xoay vòng, mở rộng diện tích lồng nuôi. Dự kiến, trong 3 năm tới, các thành viên tham gia HTX sẽ có lãi từ 30 - 50 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Sơn với mô hình chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Sơn với mô hình chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để có vốn mở rộng quy mô sản xuất, HTX được Huyện Đoàn Krông Pắc cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ và Đoàn xã Ea Phê đứng ra tín chấp cho vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Với sự “tiếp sức” này, HTX đang phát triển lên 20 lồng nuôi nhằm có được đầu ra ổn định hơn khi đảm bảo cung cấp thường xuyên số lượng lớn cá cho các doanh nghiệp.

 

"Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai hiệu quả chương trình Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm; đồng thời, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế".

 
Bí thư Huyện Đoàn Krông Pắc Nguyễn Văn Hà

Cũng được Đoàn “tiếp sức”, anh Nguyễn Văn Sơn (ở thôn 10, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) có thêm nghị lực và ý chí vươn lên làm giàu trên chính nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Sau thời gian đi làm tại một số công ty với thu nhập bấp bênh, đến năm 2016, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Vùng quê anh đất đai cằn cỗi, người dân chủ yếu trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn... cho hiệu quả kinh tế thấp nên anh đã mạnh dạn chọn hướng đi khác là trồng chanh dây. Năm 2017, gia đình anh đầu tư 150 triệu đồng để chuyển đổi 8,5 sào đất trồng bắp, sắn năng suất kém sang trồng 450 cây chanh dây. Sau 1 năm, với giá thu mua là 15.000 đồng/kg, vườn chanh dây của anh cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.

Từ kết quả ban đầu, năm 2018 anh tiếp tục mở rộng thêm 2 ha trồng chanh dây và được Huyện Đoàn hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Quỹ Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ. Năm 2019, anh Sơn được Huyện Đoàn cử đi học lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về phân bón, cây trồng, tham quan học hỏi thêm nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; được hỗ trợ tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm như Hội chợ sản phẩm nông sản nổi bật của huyện, các gian hàng khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn... Qua đó, anh có thêm kinh nghiệm sản xuất hiệu quả và cách tiếp cận thị trường, sản phẩm làm ra được nhiều doanh nghiệp biết đến và mong muốn hợp tác. Đến nay, không chỉ là triệu phú với vườn chanh dây cho lãi khoảng 450 triệu đồng/năm, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên trong vùng với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.