Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn nghề shipper

09:42, 01/03/2020

Những năm gần đây, khi loại hình kinh doanh, mua sắm trực tuyến trên Internet bùng nổ thì shipper (người vận chuyển hàng hóa) cũng trở thành một nghề “hot”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng phía sau cái nghề tưởng chừng việc nhẹ lương cao ấy là rất nhiều vất vả, rủi ro...

Nghề "hot" dễ kiếm tiền

Không cần bỏ vốn, chẳng đòi hỏi bằng cấp, chủ động về mặt thời gian, thu nhập lại cao nên shipper trở thành một nghề hấp dẫn trong mắt nhiều người. Anh Lê Quý Hòa, quản lý Công ty Cổ phần dịch vụ giao hàng nhanh chi nhánh Đắk Lắk cho biết, để trở thành một shipper chỉ cần trong hồ sơ xin việc có giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, giấy cam kết bảo lãnh của thân nhân, bản công chứng của hộ khẩu và chứng minh nhân dân là được. Khi làm đủ 6 tháng hợp đồng lao động sẽ được xét vào làm nhân viên chính thức của công ty để được hưởng lương và chế độ theo quy định của Luật Lao động.

Khách hàng đến Chi nhánh Giao hàng nhanh Đắk Lắk để gửi hàng hóa.
Khách hàng đến Chi nhánh Giao hàng nhanh Đắk Lắk để gửi hàng hóa.

Chị Phan Thị Hải Dương có thâm niên làm shipper cho Công ty Cổ phần dịch vụ giao hàng nhanh chi nhánh Đắk Lắk hơn 3 năm nay kể: Năm 2013, sau khi học đại học ra trường, chị được tuyển vào làm chuyên viên văn phòng của một doanh nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng, sau 1 năm tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng. Công việc vất vả, bó buộc thời gian, lương lại thấp nên chị nghỉ làm và xin vào làm nhân viên giao hàng. Mỗi ngày chị giao thành công bình quân trên 90 đơn hàng. Trừ chi phí, mỗi tháng chị cũng có dư 15 triệu đồng.

Em Trần Vĩnh Bảo, sinh viên năm 3 Trường Đại học Tây Nguyên cũng đã có kinh nghiệm 2 năm làm nghề shipper bán thời gian. Bảo chia sẻ: Do chỉ học trên trường vào buổi chiều nên thời gian buổi sáng em xin làm nhân viên giao hàng. Công việc này chỉ cần có xe máy, điện thoại di động để tiện liên lạc và thông thạo địa bàn mình phụ trách giao hàng là được. Mỗi tháng em cũng có 3-5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Ngoài shipper làm chính thức cho các công ty chuyển phát hàng hóa, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm shipper tự do. Họ nhận hàng từ các chủ cửa hàng, shop bán hàng online để giao cho khách. Các mặt hàng được thuê vận chuyển rất đa dạng, đủ loại như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng thậm chí cả đồ ăn, thức uống… Mỗi lần vận chuyển, tùy từng quãng đường mà shipper được hưởng từ 10.000 - 30.000 đồng/đơn hàng (trong nội thành). Nếu shipper có uy tín, là "mối ruột" của một số cửa hàng thì mỗi ngày cũng kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng.

Nhiều rủi ro, áp lực

Đằng sau nguồn thu nhập cao thì nghề shipper cũng có rất nhiều rủi ro, vất vả, áp lực. Chia sẻ về trải nghiệm công việc, chị Hải Dương tâm sự: “Làm nghề shipper là suốt ngày phải chạy ngoài đường. Tôi phải đi làm từ 6 giờ sáng đến tận 8-9 giờ tối mới về. Bữa ăn cũng phải tranh thủ để kịp giao hàng cho khách. Có những hôm mưa bão cũng phải đi. Vì phải giao hàng đúng giờ mà phải giao cho nhiều nơi nên shipper bị áp lực khá lớn. Có nhiều lúc tắc đường, hoặc gặp khách cẩn thận kiểm tra hàng mất vài chục phút... là chậm trễ giao các đơn khác...".

 
“Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng gần 10 đơn vị chuyển phát hàng hóa đóng chân. Công ty Cổ phần dịch vụ giao hàng nhanh chi nhánh Đắk Lắk có 276 công nhân viên, trong đó phần lớn là lực lượng shipper”.
 
Anh Lê Quý Hòa, quản lý của Công ty Cổ phần dịch vụ giao hàng nhanh chi nhánh Đắk Lắk

Em Trần Vĩnh Bảo kể: Có lần em đi giao hàng cho khách tại một quán cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Món hàng đó là một cục pin máy laptop có giá 500.000 đồng, cộng phí vận chuyển 40.000 đồng. Khi giao, khách mở hộp lấy cục pin ra rồi nhanh chân chạy vào quán với lý do là để lắp thử trên máy và đem tiền ra trả. Em không kịp cản lại và cũng không thể chạy theo vào vì trên xe còn khá nhiều hàng hóa khác sợ bị mất trộm. Và rồi vị khách đó đã "ôm" hàng lẻn phía cửa sau của quán đi mất. Liên lạc thì không thấy khách bắt máy và khi hỏi ra thì địa chỉ giao hàng cũng không phải nhà của khách. Vụ việc mặc dù được phía công ty giao hàng xử lý bồi thường kịp thời cho người gửi hàng nhưng cuối tháng nhận lương Bảo cũng bị trừ một khoản tiền.

Còn với Trần Văn Duy, một shipper tự do trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng có những kỷ niệm "dở khóc dở cười" với nghề: Cách đây hơn 2 tháng, Duy đưa hàng là hải sản đến giao cho một hộ dân ở phường Tân Lợi. Trên đường đi thì xe bất ngờ bị hỏng, sau khi tìm được quán sửa xong mới đưa hàng đến giao cho khách thì bị muộn bữa trưa. Khách bực tức chửi bới té tát và nhất định không lấy. Duy quay về trả lại hàng cho chủ thì lúc này hải sản đã không còn tươi ngon sau 2 giờ treo ở xe, chủ hàng không chịu nhận, Duy đành ngậm ngùi ôm mớ hàng gần 1 triệu đồng về nhà...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.