Multimedia Đọc Báo in

Đủ cách xoay xở trong mùa dịch

09:00, 01/04/2020

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang tác động mạnh đến một số ngành nghề kinh doanh, nhất là ngành dịch vụ, bán lẻ..., nhưng các cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách xoay xở sáng tạo nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hạn chế tiếp xúc, yên tâm mua sắm

Theo phản ánh của nhiều tiểu thương tại chợ Trung tâm huyện Buôn Đôn, chợ Cuôr Knia, chợ Ea Bar (huyện Buôn Đôn)…, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần một tháng nay lượng khách hàng đến mua sắm giảm gần 40%. Từ ngày 28-3 đến nay, các chợ càng đìu hiu hơn, thỉnh thoảng mới có một vài khách hàng ghé đến mua nhu yếu phẩm rồi vội vàng đi ngay, song số lượng tăng gấp hai, ba lần.

Bà Nguyễn Thị Liêm (tiểu thương chợ Ea Bar) cho biết: Trước yêu cầu hạn chế đến nơi đông người, tôi quyết định thay đổi hình thức bán hàng truyền thống sang bán online, ship tận nhà một mặt để giữ mối, mặt khác không bị mất việc làm trong mùa dịch này.

Chợ Trung tâm huyện Buôn Đôn đìu hiu khách trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Ân
Chợ Trung tâm huyện Buôn Đôn đìu hiu khách trong mùa dịch Covid-19. 


Và loại hình “chợ di động” - là những chiếc xe máy chở hai bên hai sọt với đầy đủ rau, củ, cá, thịt, mắm, muối… đến tận nhà phục vụ nhu cầu của người dân liên xã Ea Bar, Cuôr Knia, Tân Hòa, Ea Wer, Ea Huar, Krông Na (huyện Buôn Đôn) không có thời gian đi chợ hoặc e ngại đến chợ dễ lây bệnh gần đây phát huy hiệu quả.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Phú (người có thâm niên bán hàng di động) ở thôn 8 (xã Ea Bar) cho hay: "Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả xã Ea Bar chỉ có 4 người bán hàng theo hình thức này, nhưng hiện nay đã hơn 20 người, chưa kể những người chỉ bán trong xã. Dẫu số người bán hàng tăng, song không vì thế mà người mua giảm, nhờ đó tiền lãi mỗi ngày của tôi cũng tăng từ hơn 300.000 lên 500.000 đồng/ngày”. Tuy giá bán các loại thực phẩm của “chợ di động” có nhích hơn một chút song khách hàng cũng không phàn nàn gì, bởi đó là công sức, chi phí và cả sự rủi ro của người đi chợ giúp mình trong mùa dịch.

Thay vì đi chợ truyền thống,  chị Đặng Thị  Mỹ Hạnh  (tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, TP. Buôn  Ma Thuột)  chọn mua   hàng online.
Thay vì đi chợ truyền thống, chị Đặng Thị Mỹ Hạnh (tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chọn mua hàng online. 


Trong khi đó, không ít người dân ở trung tâm huyện Buôn Đôn lại chọn hình thức đi chợ online. Chỉ với một cú click chuột hay vài thao tác chạm vào điện thoại smartphone, khách hàng có thể mua bất cứ loại thực phẩm nào dù đang ngồi quán cà phê, văn phòng hay thậm chí là ngay tại nhà. Chị Lại Thị Huệ ở thôn Hà Bắc (xã Ea Wer) - một tiểu thương bán gà, vịt ở chợ Trung tâm huyện Buôn Đôn thông tin, những ngày gần đây, chị nhận thêm việc làm gà vịt sẵn cho khách hàng có nhu cầu với giá bán bằng ở chợ. Do “miễn phí ship hàng”, nên rất nhiều khách hàng "đặt gạch" dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi ngày chị Huệ ship hơn 10 con gà, vịt; có nhiều người còn đặt làm sẵn cho ngày cuối tuần, vì những ngày cuối tuần thường xuyên "cháy" hàng.

Bán hàng online lên ngôi

Không chỉ ngành bán lẻ, các ngành dịch vụ, ăn uống cũng gánh chịu sức ép rất lớn từ dịch Covid-19. Chị Phan Thị Thu Huyền, chủ cửa hàng Pizza Bếp Nhà (số 125 đường Ngô Quyền, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, xu hướng mua hàng đã thay đổi, thay vì đến cửa hàng thưởng thức các món ăn, ngắm nhìn phố xá, khách hàng ghé đến mua rồi đi, tiện lợi hơn là mua online. Do đó, cửa hàng Pizza Bếp Nhà cũng phải nhanh chóng thay đổi hình thức bán hàng để chiều lòng “thượng đế” trong mùa dịch. Cửa hàng khai thác mạnh các ứng dụng đặt hàng, giao tận nơi như GrapFood, fanpage…

Khách hàng mua thức ăn nhanh tại cửa hàng Pizza Bếp Nhà trong mùa dịch Covid-19.
Khách hàng mua thức ăn nhanh tại cửa hàng Pizza Bếp Nhà trong mùa dịch Covid-19. 

Đặc biệt, hơn một tháng nay, để bảo đảm doanh thu, cửa hàng thường xuyên thay đổi menu với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn theo ngày như: Thứ ba vui vẻ với combo mua 1 pizza size lớn tặng 1 pizza size nhỏ; Thứ năm vui vẻ với “Combo chống đại dịch” gồm: gà rán, pizza, xúc xích kèm nước uống miễn phí vận chuyển. Không dừng lại ở đó, cửa hàng liên tục đưa ra các sản phẩm mới theo nhu cầu của thực khách với các món: bánh mì bơ tỏi, kem trái cây, nước uống giải nhiệt mùa hè… 

Chị Huyền cho biết: Bán hàng online, nhân viên giao hàng rất quan trọng, vì vậy cửa hàng ưu tiên tuyển chọn những bạn có sức khỏe, tính tình vui vẻ, thân thiện, có như vậy mới chiếm được thiện cảm của khách hàng; cùng với đó là giảm giá thành sản phẩm đến mức tối đa để thúc đẩy doanh số, duy trì hoạt động cửa hàng trong mùa dịch. Để phòng chống dịch, tại cửa hàng, chị Huyền trang bị nước rửa tay sát khuẩn, dán bảng hướng dẫn quy trình rửa tay 6 bước, đồng thời nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang khi đến mua hàng đem đi.

Tương tự, thực hiện quy định của UBND tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 28-3 Trung tâm Raja Yoga (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đã đóng cửa các phòng tập thuộc Trung tâm. Chị Khổng Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Raja Yoga cho hay, trước khi có văn bản đóng cửa tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid -19, Trung tâm đã triển khai cho học viên đăng ký tập yoga online qua ứng dụng công nghệ Room với nội dung và khung thời gian tập không thay đổi như các lớp bình thường nhằm duy trì thói quen rèn luyện sức khỏe của học viên.

Ảnh: Thùy Linh
Huấn luyện viên Trung tâm Raja Yoga hướng dẫn học viên tập luyện trực tuyến. 

Hiện tại, Trung tâm đang duy trì một lớp học trực tuyến qua ứng dụng Room với hơn 200 học viên trong nước và 3 lớp dạy kèm online cho học viên ở nước ngoài, thời gian 60 phút/lớp. “Để các bài tập đạt hiệu quả khi học online, Trung tâm yêu cầu huấn luyện viên hạn chế các bài tập nâng cao, ngôn ngữ truyền đạt phải dễ hiểu để học viên dễ dàng thực hành tại nhà. Điểm cộng của các lớp học yoga online là sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian di chuyển, đặc biệt là hạn chế tập trung đông người, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”- chị Xuân lưu ý.

Tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và khó lường. Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang được đánh giá là làm tốt trong công tác kiểm soát dịch, song ảnh hưởng của dịch bệnh tạo sức ép lớn lên kinh tế là khó tránh khỏi. Sự bình tĩnh, năng động, sáng tạo của mỗi người dân trong lúc này là hết sức cần thiết để chung tay phòng, chống dịch nguy hiểm Covid-19.

Nguyên Hoàng Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.