Multimedia Đọc Báo in

Sẻ chia nguồn nước mát

12:05, 28/04/2020
Vào mùa khô hạn, các hộ dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) lại chia sẻ với nhau từng can nước. Đây không chỉ đơn thuần là việc “cho – nhận” mà còn thể hiện sự đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm cùng nhau vượt qua “cơn khát”.

Sinh sống ở buôn Xê Đăng, xã Ea Sar gần 30 năm, bà Hà Thị Lan (dân tộc Thái) hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của mùa khô ở Tây Nguyên. Các sông, suối, ao, hồ dần cạn kiệt, giếng đào của gia đình bà cũng không ngoại lệ. Mùa khô năm nay, gia đình bà và nhiều hộ khác trong buôn càng chật vật hơn bởi nước giếng đã cạn trơ đáy. Để có nước sử dụng hằng ngày, gia đình bà đầu tư mua bồn chứa, ống và dây điện để bơm nước từ giếng của hàng xóm cách nhà vài chục mét. Bà Lan cho biết, gần 3 năm nay cũng may nhờ có giếng khoan của nhà ông phó buôn nên bà con xung quanh mới có nước dùng trong mùa khô. Ai cũng cảm kích và biết ơn tấm lòng sẻ chia của ông nên càng chắt chiu từng giọt nước.

Cán bộ xã Ea Sar (huyện Ea Kar) khảo sát nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông Lê Quang Bình  (bên phải).
Cán bộ xã Ea Sar (huyện Ea Kar) khảo sát nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông Lê Quang Bình (bên phải).

Gia đình bà Lan là một trong số nhiều hộ đã được gia đình ông Lê Quang Bình, Phó buôn Xê Đăng cho dùng chung nguồn nước suốt mấy tháng qua. Buôn Xê Đăng có 221 hộ, 986 khẩu với 6 dân tộc cùng sinh sống. Bước vào cao điểm mùa khô năm nay, toàn buôn có 60% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Ông Lê Quang Bình chia sẻ: “Gia đình đầu tư khoan giếng hết gần 50 triệu đồng. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách” và trách nhiệm của một buôn phó, tôi tự nguyện cho các hộ dùng nước miễn phí, đồng thời cùng với ban tự quản buôn tuyên truyền, vận động để các hộ còn nước chia sẻ cho các hộ thiếu nước”.

 

“Hiện nay trên địa bàn xã Ea Sar mới chỉ được đầu tư xây dựng 2 công trình giếng khoan cấp nước tập trung phục vụ cho 2 cụm dân cư của buôn Ea Sar và buôn Xê Đăng. Vì vậy, về lâu dài, để giải quyết tình trạng này, xã rất mong muốn được đầu tư xây dựng từ 1 đến 2 giếng khoan cho mỗi thôn, buôn”.

 

 
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn

Không chỉ ở buôn Xê Đăng mà tinh thần sẻ chia cùng nhau vượt qua mùa khô hạn đã lan tỏa khắp các thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Sar. Thôn Thanh Bình có 214 hộ với 95% đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đã có trên 40% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Theo Trưởng thôn Hà Xuân Đẹt, thực hiện chỉ đạo của UBND xã, ngay từ đầu mùa khô, thôn đã tổ chức họp dân, tuyên truyền cho người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm và vận động những hộ còn nguồn nước sinh hoạt cho những hộ bị thiếu nước cùng sử dụng.

Nhiều năm qua, ao trữ nước của gia đình bà Lò Thị Mơi (dân tộc Thái) là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho 20/42 hộ dân của cụm dân cư số 3, thôn Thanh Bình. Nhờ có nguồn nước mạch từ núi chảy ra, năm 2014, gia đình bà múc một cái ao gần nhà để trữ nước. Thời gian đầu, những hộ xung quanh đến lấy nước về dùng, bà Mơi thu vài chục nghìn đồng/hộ mỗi tháng để bù vào tiền đầu tư đào ao. Sau khi thu đủ kinh phí thì bà cho các hộ dùng miễn phí. Bà gọi đây là “lộc trời” nên cho mọi người cùng hưởng.

Niềm vui của gia đình bà Hà Thị Lan ở buôn Xê Đăng khi được sẻ chia nguồn nước mát trong mùa khô hạn.
Niềm vui của gia đình bà Hà Thị Lan ở buôn Xê Đăng khi được sẻ chia nguồn nước mát trong mùa khô hạn.

Xã Ea Sar hiện có 2.200 hộ với trên 9.200 khẩu sinh sống ở 13 thôn, buôn, trong đó có 9 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Theo thống kê của UBND xã, đến thời điểm này, toàn xã đã có 230 hộ với 720 khẩu tại 6 thôn, buôn bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 25%. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết, ngay từ đầu mùa khô, UBND xã đã chỉ đạo ban tự quản, các đoàn thể thôn, buôn tuyên truyền, vận động nhân dân chia sẻ nguồn nước cho các hộ xung quanh, bảo đảm ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu khô hạn tiếp tục kéo dài thì người dân sẽ khó cầm cự được.

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.