Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi hoạt động làm tấm chắn tặng tuyến đầu chống dịch

10:06, 17/04/2020

Nhằm động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn của các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, cán bộ và nhân dân một số địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã góp công, góp của làm hàng nghìn mặt nạ chống giọt bắn (còn gọi là tấm chắn) tặng cơ sở y tế, cơ sở cách ly, chốt kiểm soát dịch bệnh…

Dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhiều cán bộ, công chức phường Thống Nhất vẫn có mặt tại trụ sở để hoàn thành 600 tấm chắn chống giọt bắn tặng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Thành phố Buôn Ma Thuột. Mỗi chiếc tấm chắn gồm một tấm nhựa trong suốt gắn cố định hai đầu vào một đai nhựa có thể điều chỉnh kích cỡ để đội lên đầu. Bên trong đai nhựa, các tình nguyện viên còn dán thêm một lớp xốp mỏng, mềm để tránh làm tổn thương da khi sử dụng.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhận 500 tấm chắn từ phường Thống Nhất để phục vụ công tác chống dịch Covid-19.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhận 500 tấm chắn từ phường Thống Nhất để phục vụ công tác chống dịch Covid-19.

Tác giả của hoạt động này chính là Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, chị Trịnh Như Ngọc. Trong một lần đi siêu thị, chị thấy nhân viên ở đây được trang bị tấm chắn để giảm tiếp xúc với các yếu tố có thể mang mầm bệnh, chị nghĩ ngay đến việc phải trang bị những tấm chắn như thế cho cán bộ phường, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên, trên thị trường chỉ mới bán loại mũ vải có gắn tấm nhựa trong phía trước với giá rất cao, hơn 100 nghìn đồng/chiếc. Vì vậy, chị cùng các đồng nghiệp tại phường tự lên Internet tìm hiểu cách làm và các loại nguyên liệu rồi mày mò làm thử. Đầu tháng 4, những chiếc tấm chắn đầu tiên đã được cán bộ phường Thống Nhất đưa vào sử dụng. Chị Ngọc tài trợ hoàn toàn chi phí mua nguyên liệu cho những tấm chắn này.

Chị Ngọc chia sẻ, những chiếc tấm chắn do phường tự làm có giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 6 – 7 nghìn đồng/chiếc và khắc phục được nhược điểm của các loại mũ may liền tấm chắn nhờ có khoảng trống trên trán tránh bị mờ hơi nước khi thở. Tấm chắn này cũng có thể sử dụng thuận tiện ở điều kiện trong nhà, ngoài trời, dễ dàng tích hợp cùng với khẩu trang và các trang phục bảo hộ khác. Vì vậy, cán bộ, công chức ở phường nghĩ ngay đến việc cùng làm thêm những tấm chắn như thế để ủng hộ các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Việc làm này nhanh chóng được người dân trên địa bàn hưởng ứng, từ những người cao tuổi, hưu trí đến các em học sinh, với tổng kinh phí ủng hộ lên đến hơn 17 triệu đồng.

Chương trình phát động đã thu hút được sự hưởng ứng đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn phường. Người góp công, người góp của, những tấm chắn giọt bắn được hoàn thiện từ những đôi tay khéo léo cùng tình cảm của mọi người gửi đến đội ngũ các y bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ ở tuyến đầu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là những người dân nghèo. "Do không được tập trung đông người nên chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ 2 người cùng thực hiện các công đoạn. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản gồm những miếng mica kính trong, xốp, keo dán, dây nhựa… mỗi tấm chắn được hoàn thiện khá nhanh, dễ sử dụng, dễ vệ sinh mà lại rất tiết kiệm. Công dụng ngăn giọt bắn cũng không thua kém những chiếc nón có tấm chắn đang được bày bán trên mạng xã hội và các điểm bán ngoài các cửa hàng có giá khá cao" - chị Ngô Đoan Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất chia sẻ.

Cán bộ UBND phường  Thống Nhất cùng nhau làm tấm chắn  giọt bắn.
Cán bộ UBND phường Thống Nhất cùng nhau làm tấm chắn giọt bắn.

Cùng tham gia chương trình, em Nguyễn Trung Huy, học sinh lớp 11A7 Trường THPT Chu Văn An tỏ ra hào hứng: “Khi biết đến chương trình, em cùng các bạn tình nguyện tham gia với mong muốn góp ít công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Hy vọng những tấm chắn sẽ là một công cụ bảo hộ ý nghĩa và an toàn cho mọi người trong cuộc chiến đầy khó khăn này”.

 

"Những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận nhiều hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tăng cường nguồn lực chống dịch Covid-19. Đó đều là sự chia sẻ cần thiết và đáng quý đối với bệnh viện, là nguồn cổ vũ, động viên đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế thêm vững vàng với nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu".

 
Bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Cán bộ phường cùng các tình nguyện viên tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần để làm tấm chắn. Làm đến đâu, phường trao tặng lực lượng chống dịch đến đó để các đơn vị đưa vào sử dụng kịp thời. Đến nay, phường Thống Nhất đã trao tặng khoảng 1.000 tấm chắn cho các đơn vị: Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, trạm y tế 21 xã phường, điểm cách ly, chốt kiểm soát dịch bệnh… Dự kiến, phường Thống Nhất sẽ làm thêm khoảng 1.000 tấm chắn nữa để tiếp tục tặng những đơn vị tuyến đầu chống dịch và tặng các hộ kinh doanh trên địa bàn phường, người buôn bán nhỏ tại các chợ để góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Ngoài việc làm tấm chắn giọt bắn, UBND phường Thống Nhất cũng đã có nhiều hoạt động đồng hành và hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: phát nước muối sinh lý, nước rửa tay, khẩu trang y tế, phát 8 tấn gạo hỗ trợ người dân nghèo…

Hoạt động làm tấm chắn cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hòa phát động thực hiện trong tuần qua. Chỉ riêng người dân tại tổ dân phố 9 đã hoàn thành hơn 150 tấm chắn để Ủy ban MTTQ Việt Nam phường tặng Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của phường và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk.

Chị Nguyễn Thị Hải Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hòa nhận định, đa số người dân đều nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và thấu hiểu những vất vả, khó khăn mà y bác sĩ, nhân viên y tế cùng các lực lượng kiểm soát dịch bệnh đang phải đối mặt. Vì vậy, mỗi tấm chắn không chỉ là dụng cụ bảo hộ tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch mà còn là tấm lòng tri ân của người dân, thể hiện quyết tâm chung sức, đồng lòng đẩy lùi đại dịch.

      Đinh Nga - Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.