Multimedia Đọc Báo in

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: An tâm hơn khi về già

10:36, 14/05/2020

Gần 4 năm nay, mỗi tháng ông Trần Thanh Hải (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) được bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả số tiền lương hưu gần 2 triệu đồng.

Bây giờ, ở tuổi 65, với ông số tiền này tuy không lớn nhưng cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, bớt đi gánh nặng kinh tế cho gia đình. Được biết, trước đây ông Hải là bộ đội phục viên và công tác ở Hội Cựu chiến binh phường với 8 năm tham gia BHXH. Đến khi nghỉ, ông vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với thời gian 12 năm; đầu năm 2017, ông bắt đầu được nhận lương hưu hằng tháng. Ông Hải phấn khởi chia sẻ: “Trước đây khi tham gia đóng BHXH tự nguyện tôi chỉ nghĩ sau này khi về già không còn làm ra tiền thì còn có đồng ra đồng vào; bây giờ mới thấy lợi ích thiết thực khi mỗi tháng có một số tiền hỗ trợ chi tiêu cho gia đình và bản thân”.

Ông Trần Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) nhận lương hưu tháng 4 và 5 tại nhà do dịch bệnh Covid-19.
Ông Trần Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) nhận lương hưu tháng 4 và 5 tại nhà do dịch bệnh Covid-19.

Với gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), hai vợ chồng bà là cán bộ công chức nên đều tham gia BHXH; còn hai người con một đang đi làm, một vừa nghỉ việc công ty cũng được vợ chồng bà đóng BHXH tự nguyện để bảo đảm cuộc sống khi về già. Người con trai Trần Minh Tuấn trước đây làm việc tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, đến đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã nghỉ việc và về quê nên gia đình quyết định tiếp tục đóng BHX tự nguyện cho anh với số tiền 1.304.000 đồng/tháng. Cô con gái Trần Thanh Huyền đang học đại học cũng được bố mẹ đóng BHXH tự nguyện với số tiền như anh trai. Theo quan điểm của bà Xuân, bây giờ cuộc sống gia đình khá ổn định nên hai vợ chồng cố gắng đóng bảo hiểm cho các con, bởi việc đóng BHXH sớm chừng nào hay chừng đó; sau này cũng chưa biết các con sẽ làm công việc gì thì thời gian đóng bảo hiểm cũng sẽ ngắn lại.

Năm 2019, toàn tỉnh có 6.979 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3.347 người so với năm 2018 và bằng số người tham gia trong 10 năm (từ 2008-2018).

Có thể nói, việc tham gia BHXH tự nguyện được coi là "của để dành" khi về già. Do vậy, không chỉ có người trẻ mà ngày càng có nhiều người lớn tuổi cũng tham gia để bảo đảm cuộc sống sau này. Đơn cử như trường hợp của ông Vũ Đức Triều (xã Cư Prao, huyện M’Đrắk), dù đã bước qua tuổi 55, nhưng khi nghe tuyên truyền, giải thích của cán bộ BHXH huyện về lợi ích của BHXH tự nguyện ông đã tham gia đóng cho mình và vợ; hay như trường hợp vợ chồng anh Hỏa Văn Trưởng (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) cũng đã tham gia từ hơn 3 năm nay; vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) tham gia đã hơn 2 năm…

Theo quy định, người đóng có thể lựa chọn mức thu nhập hằng tháng của mình làm căn cứ đóng phù hợp với điều kiện kinh tế; phương thức đóng có thể theo hằng tháng, hàng quý, 6 tháng, 1 năm, đóng 1 lần cho nhiều năm hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm. Việc thay đổi phương thức đóng và mức thu nhập hằng tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng được áp dụng ít nhất sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Đặc biệt, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1-1-2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; cụ thể: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo,  25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với những người tham gia thuộc đối tượng khác.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.