Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng trách nhiệm trong phát triển bảo hiểm y tế

08:41, 01/07/2020

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo, được ví như tấm “thẻ vàng” cho sức khỏe của người dân. Do đó, để mở rộng diện bao phủ BHYT đến toàn thể người dân, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì rất cần sự đồng lòng, hưởng ứng và thay đổi trong nhận thức của mỗi người.

Đa dạng phương thức hỗ trợ

Với đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều vùng tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên những năm qua, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các chương trình, hoạt động, nhiều người dân đã được nhận những tấm thẻ BHYT giúp họ yên tâm hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Cán bộ BHXH huyện Krông Ana giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ BHXH huyện Krông Ana giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Đơn cử như mô hình mua thẻ BHYT tặng hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của hội phụ nữ các cấp triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Mô hình nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, làm giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên phụ nữ khi ốm đau, bệnh tật. Chẳng hạn như chị Huỳnh Thị Thật (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) có hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ "chạy ăn" hằng ngày đã vất vả nên khi được chi hội tặng thẻ BHYT chị hết sức vui mừng. Với chị, đó là tấm “bùa hộ mệnh” giúp vơi bớt gánh nặng chi phí mua bảo hiểm cho mình và các thành viên trong gia đình. Hơn thế nữa, mỗi khi ốm đau cũng không còn lo chi phí khám chữa bệnh.

Có thể nói, với mỗi người dân, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì thẻ BHYT có giá trị thiết thực. Do đó, việc các cấp hội phụ nữ trao tặng thẻ BHYT cho những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mang ý nghĩa to lớn, giúp họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như tiến tới hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Hiện nay, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT, theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND được HĐND tỉnh thông qua ngày 6-12-2019, từ ngày 1-1-2020, ngoài mức hỗ trợ 30% đóng BHYT từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật BHYT, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ 5% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên.

Theo ông Lê Xuân Hòa, Phó Giám đốc BHXH thị xã Buôn Hồ, với chính sách hỗ trợ này thì mức đóng của một người dân thuộc diện được hỗ trợ chỉ còn 40%, tương đương với khoảng 322.000 đồng/người. Như vậy, những hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình sẽ giảm được gánh nặng chi phí mua BHYT mà vẫn được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy định. Được biết, hiện nay, BHXH thị xã Buôn Hồ cũng như các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền về chính sách hỗ trợ BHYT và cách thức triển khai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và được hưởng mức hỗ trợ.

Nâng cao nhận thức về tham gia bảo hiểm y tế

Có thể nói, với nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người dân tham gia BHYT, thời gian qua, ngành BHXH đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kịp thời việc cấp phát thẻ BHYT đến đúng đối tượng theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong nhân dân để mở rộng diện bao phủ BHYT, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân. Cũng nhờ đó, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức trong việc tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viên Đa khoa huyện Krông Pắc.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viên Đa khoa huyện Krông Pắc.

Gia đình ông Đỗ Minh Tuân (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) dù điều kiện kinh tế không mấy khá giả nhưng khi hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHYT ông liền đăng ký mua cho tất cả 9 người trong gia đình, trong đó 3 cháu nhỏ mua bảo hiểm ở trường học, còn lại mua BHYT ở địa phương với số tiền trung bình mỗi năm lên đến hàng triệu đồng. Ông Tuân chia sẻ, mỗi năm, mỗi người bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua BHYT, nếu ốm đau phải đi viện thì không lo chi phí khám, điều trị; còn nếu may mắn mạnh khỏe thì càng vui mừng.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt khi chẳng may mắc bệnh, phảo lo chi phí chạy chữa; cũng có trường hợp tham gia BHYT đến khi ốm đau, chữa bệnh được hỗ trợ chi trả với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng. Đơn cử như ở huyện Krông Ana có trường hợp ông Phạm Văn Vận được Quỹ BHYT thanh toán chi trả gần 800 triệu đồng chi phí điều trị; bệnh nhân Vũ Cao Thế thì lên đến gần 2 tỷ đồng… Đây là những minh chứng khẳng định rõ nét ý nghĩa của BHYT, vừa giúp giảm gánh nặng kinh tế khi chẳng may bị ốm đau, vừa là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 1.636.240 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,2% dân số (tăng 4.600 người so với thời điểm hết năm 2019). Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Đắk Lắk đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao đạt 90% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2020.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.