Multimedia Đọc Báo in

Nhà bán trú: Điểm tựa cho học sinh nghèo huyện Lắk

11:27, 09/09/2020

Cùng niềm vui chào đón năm học mới 2020 – 2021, hàng chục học sinh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Lắk đã có thể yên tâm học hành khi các trường – nơi các em theo học đã có nhà bán trú.

Năm 2020, huyện Lắk đầu tư xây dựng 9 phòng bán trú học sinh ở hai điểm trường gồm: THCS Nguyễn Du (xã Đắk Nuê) và THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi), quy mô mỗi phòng khoảng 25 m2, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Đắk Nuê) dọn dẹp phòng bán trú chuẩn bị cho năm học mới.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Đắk Nuê) dọn dẹp phòng bán trú.

Trường THCS Nguyễn Du có nhiều học sinh của buôn Đắk Sar theo học. Khoảng cách từ nhà đến điểm trường từ 10 - 35 km nên việc đi lại, học tập của các em rất gian nan. Những năm trước, hầu hết các em phải ở nhờ tại phòng công vụ của giáo viên trong trường. Tuy nhiên, trường chỉ có hai nhà công vụ, trong khi số lượng học sinh có nhu cầu ở lại đông nên một số em phải ra thuê trọ hoặc ở nhờ nhà bà con, người quen. Năm 2020, dự án xây dựng nhà bán trú được huyện Lắk triển khai, trong đó Trường THCS Nguyễn Du được xây dựng 4 phòng. Đến tháng 5 năm nay, các nhà bán trú được hoàn thành đưa vào sử dụng, sẵn sàng đón nhận học sinh vào ở.

Thầy Phan Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho hay, năm học 2020 – 2021, trường có 12 lớp, với 459 học sinh, tăng 1 lớp so với năm học trước. Trường có khoảng 120 em có nhà cách trường từ 10 - 35 km, trong đó có hơn 50 em có nhu cầu ở lại, nhưng không có điều kiện thuê trọ hoặc đi xe đưa đón. Việc đưa vào sử dụng 4 phòng bán trú đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, giúp các em yên tâm, tập trung hơn cho việc học tập. Trong thời gian hè, nhà trường đã tổ chức lao động, dọn dẹp toàn bộ khuôn viên trường và khu nhà bán trú.

Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường còn vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ một số vật dụng như chăn, màn và nhu yếu phẩm tặng học sinh. Em Thào Seo Dúng (buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê) vui vẻ chia sẻ, năm nay có nhà bán trú để ở lại, em và các bạn không phải lo lắng việc ở nhờ nhà người quen. Có chỗ ăn ở thuận lợi, em sẽ tập trung hơn cho việc học. Để chuẩn bị cho em ở bán trú, bố mẹ em đã trang bị các vật dụng cần thiết như bếp gas mini, nồi cơm điện, chén, bát và gạo đủ dùng cho khoảng từ một tuần đến 10 ngày.

Góc học tập tại nhà bán trú của học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi).
Góc học tập tại nhà bán trú của học sinh Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi).

Tương tự, năm học mới 2020 - 2021, niềm vui của thầy trò Trường THCS Lê Lợi như được nhân đôi khi trường có thêm các phòng bán trú cho học sinh ở vùng khó khăn. Năm học này, trường có 16 học sinh tạm trú tại khu vực đồi Đắk Hiu có nhu cầu ở lại do nhà xa trường. Được biết, khoảng cách từ nhà tới trường của các em này nếu đi bộ đường rừng khoảng 10 km, đi theo đường vòng thì hơn 20 km. Do đó, các em không thể đi, về trong ngày mà buộc phải ở lại. Từ năm 2019 trở về trước, khi chưa có phòng bán trú, trường phải cải tạo nhà công vụ của giáo viên để các em ở tạm. Năm học mới này, các em đều rất vui mừng vì có nhà bán trú mới sạch sẽ, gọn gàng. Em Thào A Tỉnh (lớp 9C) cho biết, những năm trước em và các bạn cùng hoàn cảnh phải ở lại phòng tạm của thầy cô giáo. Năm nay, trường có nhà bán trú, em và các bạn đã có chỗ ở mới, rộng và sạch sẽ hơn nhiều. Trước ngày khai giảng, các em đã đến nhận phòng và dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp, sẵn sàng cho năm học mới. Có chỗ ở mới, A Tỉnh hứa sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để có kết quả cao trong kỳ thi cuối cấp này.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi Vũ Văn Thiệu cho biết, năm học nào trường cũng có gần 20 học sinh có nhu cầu ở lại bán trú do điều kiện đi lại khó khăn, nhưng do không có kinh phí xây dựng nhà bán trú nên Ban giám hiệu chỉ cố gắng sắp xếp, cải tạo nhà công vụ giáo viên để các em có chỗ ở tạm thời. Năm học này, với việc đưa vào 5 phòng bán trú, tất cả 16 học sinh ở khu vực đồi Đắk Hiu đã có chỗ ở tươm tất. Ngoài ra, trường còn có thêm 4 học sinh khối tiểu học đang học tại Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm đóng trên bàn xã Đắk Phơi cũng ở ghép do nhà xa trường. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em, trường sẽ phân công giáo viên trực theo ca để quản lý việc sinh hoạt, học tập của các em; đồng thời giao đội ngũ bảo vệ thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự khu vực trường và nhà bán trú.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.