Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Krông Bông

14:00, 31/10/2020

Việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Krông Bông trong thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Tháng 4-2020, ông Lê Văn Thụ (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) học lớp kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức. Sau khi tốt nghiệp khóa học, ông Thụ cùng một số học viên khác thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò. Mỗi thành viên trong tổ đóng góp 1,2 triệu đồng xây dựng quỹ hỗ trợ các thành viên khó khăn vay vốn mua bò giống. Gia đình ông Thụ trước đây chỉ có 4 con bò; nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi đã được học như ủ cỏ chua, làm chuồng trại nơi thoáng mát…, đàn bò của ông phát triển tốt, không mắc bệnh nên cho lãi trung bình mỗi tháng hơn 1 triệu đồng/con. Nhờ đó, hiện nay ông đã phát triển đàn bò lên 10 con, thu nhập từ đó cũng tăng lên đáng kể.

 

Một lớp học sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên  huyện Krông Bông tổ chức.
Một lớp học sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Bông tổ chức.

 

Vốn yêu thích nghề may nên khi Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở lớp may công nghiệp cho lao động nông thôn, chị Ngô Thị Mỹ Ly (thôn 3, xã Hòa Sơn) liền đăng ký học. Từ những kiến thức bổ ích học được, sau khi tốt nghiệp, chị đã tập hợp các thành viên thành lập tổ hợp tác may gia công để kiếm thêm thu nhập, đồng thời nhận dạy cho những người khác tại địa phương. Hiện tổ hợp tác may gia công của chị đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương. Với hình thức gia công theo sản phẩm, bình quân mỗi ngày các chị em trong tổ may được từ 5 - 10 sản phẩm/người, mỗi tháng thu nhập bình quân từ 2 – 3 triệu đồng/người. Thu nhập trên đã phần nào đáp ứng được chi phí sinh hoạt ở vùng nông thôn.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), hằng năm huyện Krông Bông mở từ 6 - 8 lớp đào tạo nghề miễn phí cho gần 300 học viên.

Ông Trương Hữu Phấn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Bông cho biết, hằng năm trung tâm đều tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người dân, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó có cơ sở định hướng nghề nghiệp phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể để mở các lớp đào tạo nghề có hiệu quả cao, thu hút đông đảo học viên. Trung tâm còn cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, buôn tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc học nghề và vận động người dân tham gia các khóa đào tạo. Các nhóm nghề được đào tạo nhiều trong những năm qua gồm: kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật chế biến thực phẩm; may công nghiệp; sửa chữa máy nông nghiệp…

Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ học nghề miễn phí, các đối tượng ưu tiên được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo chính sách của Đề án 1956.

 

Ông Lê Văn Thụ (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đang cho bò ăn cỏ ủ chua.
Ông Lê Văn Thụ (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đang cho bò ăn cỏ ủ chua.

 

Từ các khóa đào tạo nghề, người học nghề đã được tiếp cận kiến thức mới về lĩnh vực đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tạo việc làm. Phần lớn các học viên phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp. Nhiều học viên là nông dân đã biết vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả. Không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ những mô hình phát triển kinh tế.

Tính từ năm 2015 đến nay, huyện Krông Bông đã mở được 42 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.470 lao động nông thôn. Riêng năm 2020, đã tổ chức được 10 lớp với gần 350 lượt người tham gia (đạt 100% kế hoạch), trong đó có 5 lớp may công nghiệp; 3 lớp chăn nuôi trâu, bò; 1 lớp kỹ thuật chế biến thực phẩm; 1 lớp sửa chữa máy nông nghiệp.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.