Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ sử dụng hợp lý nguồn vốn hỗ trợ

06:25, 13/10/2020

Xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) có 990 hộ với hơn 4.000 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số  (DTTS) tại chỗ là 283 hộ với 1.278 khẩu.

Tính đến cuối năm 2019, toàn xã còn 43 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,32%; 98 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,89%. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, xã đã thực hiện công tác giảm nghèo dựa vào nhu cầu thiết thực của người dân.

Biết có nhiều bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS ít tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều nên cán bộ làm công tác giảm nghèo đã trực tiếp đến từng thôn, buôn phổ biến, giải thích, tuyên truyền các chính sách, nội dung các chương trình để bà con biết. Bên cạnh đó, nắm rõ hoàn cảnh của từng đối tượng được thụ hưởng để xây dựng kế hoạch hỗ trợ vốn dựa trên nguyện vọng của người dân nhằm hướng dẫn, định hướng họ phát triển sản xuất một cách phù hợp, đem lại hiệu quả nhất. Nhờ đó, các hộ nghèo đã được tiếp cận nguồn vốn để chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế.

Chị H’Nguôi Buôn Krông chăm sóc đàn dê của gia đình.
Chị H’Nguôi Buôn Krông chăm sóc đàn dê của gia đình.

Đơn cử như gia đình chị H’Nguôi Buôn Krông (buôn K62) là 1 trong 4 hộ nghèo của buôn được hỗ trợ vay vốn từ chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Với số tiền 15 triệu đồng được vay năm 2018, chị đã mua 16 con dê để chăn nuôi; sau 2 năm đàn dê đã phát triển lên 20 con. Sắp tới, gia đình chị H’Nguôi sẽ tiếp tục được nhận thêm 1 con bò từ chương trình 135 để mở rộng sản xuất. Chia sẻ niềm vui của gia đình khi được hỗ trợ, chị H’Nguôi cho biết: “Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cùng với họ hàng. Khi lấy chồng sinh con, cuộc sống cũng không khá hơn, vì đất ở, đất sản xuất đều không có, con cái thì còn nhỏ đang đi học. Nhờ nhận được nguồn vốn hỗ trợ, tôi phát triển chăn nuôi dê, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều”.

Còn gia đình anh Y Tép Byă (buôn Cuê), ngoài việc năm 2018 được nhận 1 con bò từ chương trình 135, anh chị tiếp tục vay thêm 15 triệu đồng nữa để mua 3 con bò về nuôi. Từ 4 con ban đầu, nhờ được chăm sóc kỹ, đến nay đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 8 con. Anh dự định sẽ bán bớt một vài con để lấy vốn đầu tư trồng thêm hoa màu phát triển kinh tế gia đình. Từ một hộ nghèo (năm 2018), nay gia đình anh đã thoát nghèo.

5 năm qua, số hộ nghèo của xã Băng Adrênh đã giảm đáng kể, từ 153 hộ (chiếm tỷ lệ 13,93%) vào đầu năm 2016 xuống còn 43 hộ ( 4,32%) vào đầu năm 2020.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn xã thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc chương trình 135 cho 27 hộ, trong đó có 21 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Riêng trong năm 2020, có 8 hộ được thụ hưởng chương trình, với dự án nuôi bò sinh sản có tổng nguồn vốn là 132 triệu đồng.

Cùng với sự nỗ lực của mỗi người dân, việc thực hiện dự án hỗ trợ phương thức sản xuất tại xã Băng Adrênh đã đem lại hiệu quả lớn, thiết thực đối với công tác giảm nghèo. Không chỉ làm thay đổi đời sống của người dân, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo mà còn giúp mặt bằng đời sống của nhân dân trong vùng phát triển đồng đều, văn minh và tiến bộ.

Anh Y Tép Byă chuẩn bị đưa đàn bò của gia đình đi chăn thả.
Anh Y Tép Byă chuẩn bị đưa đàn bò của gia đình đi chăn thả.

Theo ông Đào Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Băng Adrênh, từ kết quả đã đạt trong giai đoạn vừa qua, trong giai đoạn 2021 – 2025, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, xã hội tại hai buôn đồng bào DTTS, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung phương án quy hoạch vùng sản xuất phù hợp thế mạnh từng buôn, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm do địa phương sản xuất; mỗi buôn thành lập từ 3 - 4 tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao ở quy mô phù hợp… Phấn đấu đến cuối năm 2025, các mô hình phát triển kinh tế, xã hội tại các buôn đồng bào DTTS đều phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.