Multimedia Đọc Báo in

Thương lắm miền Trung ơi!

17:45, 20/10/2020
Chưa bao giờ hai tiếng miền Trung lại vang vọng, lại khắc khoải trong tim đến thế! Tin tức đau thương từ miền Trung liên tiếp đưa về làm quặn thắt ruột gan mỗi người con đất Việt.
 

Sự hung dữ, tàn bạo của mẹ thiên nhiên đã phá toang nhiều làng mạc, phố phường từ đồng bằng, trung du đến khu vực miền núi của dãi đất miền Trung thân yêu trong thời gian dài.

Từ giữa tháng 9 - 2020 đến nay, 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.

Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng, làm xáo trộn đời sống của hàng triệu hộ dân tại các tỉnh miền Trung. Những ánh mắt xót xa, bất lực nhìn nhà cửa, gia súc, gia cầm trôi theo dòng nước. Càng nhói lòng hơn khi mưa lũ làm hơn 125 người chết và mất tích. Người dân miền Trung nơi bão lũ chỉ mong muốn, khát khao một điều: Trời ơi đừng mưa nữa và nước ơi hãy rút mau!

 

Ông Nguyễn Văn Hạt nhai lương khô sau 3 ngày mắc kẹt trong dòng nước lũ. Ảnh Ngọc Hiển (Tuoi tre.vn)
Ông Nguyễn Văn Hạt (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nhai lương khô sau 3 ngày mắc kẹt trong dòng nước lũ. Ảnh: Ngọc Hiển

 

Sinh sống ở nơi được mệnh danh là “rốn lũ”, song giờ đây người dân miền Trung không khỏi giật mình, thảng thốt trước sự kinh hoàng, khốc liệt của thiên tai đã nhấn chìm của cải, nhân mạng trong biển nước. Nước mắt hòa trong nước lũ đục ngầu, đắng chát.

 

Nhiều tuyến phố ở tỉnh Quảng Bình chìm ngập trong nước lũ. Ảnh: Phan Tứ
Nhiều tuyến phố ở tỉnh Quảng Bình chìm ngập trong nước lũ. Ảnh: Phan Tứ
 

“Phải làm cái gì đó” – tiếng gọi nơi tâm khảm thôi thúc, giục giã nhân dân trong cả nước cùng hướng về rốn lũ - khúc ruột miền Trung. Từng chuyến xe tải từ miền Nam chở nhu yếu phẩm, vật dụng cá nhân vượt hàng nghìn cây số trong mưa bão; những chiếc bánh tét ấm nóng tình cảm của đồng bào Tây Nguyên; những chiếc áo phao, những ca nô, xuồng máy cũng tức tốc được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào cho miền Trung… Những tấm lòng thơm thảo hướng về miền Trung nhanh chóng lan tỏa đến những tâm hồn đồng điệu. Và mạng xã hội trong trường hợp này đã phát huy hiệu quả, kết nối những tấm lòng hướng về miền Trung gian khó. Việc ủng hộ, động viên, góp phần chia sẻ bớt những khó khăn của người dân vùng thiên tai miền Trung đang được các cơ quan, đơn vị trong cả nước phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng cả tình cảm, trách nhiệm nhằm giúp đỡ nhân dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

 

Người dân huyện Cư M'gar nấu bánh tét gửi  ra miền Trung. Ảnh: Internet
Người dân huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) nấu bánh tét gửi ra miền Trung. Ảnh Internet
 
Miền Trung đang chống chọi với lũ, với mất mát, đau thương về người và tiền của. Hiện tại, mưa lũ đã bớt. Và rồi bão sẽ tan, nước sẽ rút, nhưng chắc chắn để lại hậu quả nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn, người dân miền Trung như bị vắt kiệt sức. Miền Trung gánh hai đầu đất nước. Nay quặt thắt lòng nước mắt tuôn!
 
Khúc ruột miền Trung đang cần lắm những tấm lòng thơm thảo để sưởi ấm những con tim đang lạnh lẽo, chơi vơi giữa mênh mông biển nước; xoa dịu đi những nổi đau, mất mát do thiên tai. 
 
 Nguyên Anh 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.