Multimedia Đọc Báo in

Tình người trong lũ dữ miền Trung

09:13, 19/10/2020

Với người dân sinh sống ở miền Trung, từ bao đời nay bão, lũ đã không còn xa lạ, thậm chí quen đến độ mỗi năm khi trời mưa lớn, nước bắt đầu dâng thì mọi người đã chuẩn bị tâm thế để kê dọn đồ, sơ tán. Dù vậy, thiên tai khó lường vẫn làm thiệt hại nặng nề về người và của, gây ra những mất mát đau thương...

Chồng chất nỗi đau

Những ngày qua, người dân cả nước từng giờ dõi theo thông tin và quặn thắt nỗi đau về những mất mát quá lớn diễn ra dồn dập do sạt lở núi xảy ra ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị. Trời tiếp tục mưa, lũ vẫn đang ào về, những con số thương vong, mất mát vẫn chưa dừng lại...

Chưa hết, ở một số vùng quê của các tỉnh đang chịu lũ dữ, mỗi ngày lại nghe thêm những cái chết thương tâm để lại bao nỗi đau, gây chia lìa nhiều gia đình. Đó là trường hợp của đôi vợ chồng trẻ ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) bị nước cuốn trôi khi đang trên đường về nhà, để lại đứa con thơ mới tròn 25 tháng tuổi; là hoàn cảnh một thai phụ ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đến bệnh viện sinh con. Không chỉ thế, còn nhiều những cái chết đau thương chỉ vì sơ sẩy trượt chân hay mải lo mưu sinh, vật lộn với dòng nước lũ…

Cán bộ tỉnh Đắk Lắk ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Ảnh: Lê Hương
Cán bộ tỉnh Đắk Lắk ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Ảnh: Lê Hương

Những mất mát, đau thương đó khó có thể nói hết thành lời, chỉ biết ai cũng thấy nghẹn lòng, tim quặn đau khi nhắc đến. Cùng những thiệt hại nặng nề về tính mạng, con số thiệt hại về tài sản cũng quá lớn khi hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng; diện tích hoa màu, lúa bị ngập, vùi lấp và số đàn gia súc, gia cầm chết khó có thể đếm hết…, kéo theo đó, không biết bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, phút chốc trắng tay.

Lũ dữ chẳng cuốn nổi tình người

Trước những thiệt hại, khó khăn do mưa lũ gây ra, các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia gồm gạo, lương khô, mì tôm và các loại thuốc, hóa chất khử trùng, vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, với tinh thần "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", những ngày qua, các địa phương, tổ chức, cá nhân trên cả nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, sẻ chia khó khăn, thiếu thốn với người dân vùng lũ miền Trung.

Lan tỏa sâu rộng và tạo nhiều hiệu ứng nhất có thể kể đến là các hoạt động kêu gọi, vận động ủng hộ bà con vùng lũ trên các trang mạng xã hội. Từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến các vùng núi cao, từ người dân trong nước đến kiều bào ở nước ngoài, các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện và cả học sinh, sinh viên, người lao động… cũng đứng ra quyên góp, sẵn sàng sẻ chia khó khăn, hoạn nạn với người dân vùng lũ lụt. Đơn cử như trong những ngày qua, các trang mạng xã hội và nhiều trang báo chia sẻ hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ các tỉnh miền Trung với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Hơn thế nữa, nữ ca sĩ còn tự mình đi đến từng hộ dân để trao những phần quà thiết yếu từ nhu yếu phẩm, thuốc men hay tiền mặt giúp các hộ khó khăn lợp lại mái nhà, trả nợ ngân hàng và dựng ngôi nhà mới…

Hay hình ảnh một hộ dân ở tỉnh Quảng Trị khi nhận được thùng mì tôm cứu trợ đã sẵn sàng chia cho các hộ dân sống xung quanh để họ có cái ăn trong những ngày chống chọi với lũ lụt; là hình ảnh những người nông dân ở khắp các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam dùng chiếc ghe nhỏ của gia đình kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị mắc kẹt trong lũ dữ đi di tản hay đưa bệnh nhân đi cấp cứu, mua nhu yếu phẩm cần thiết. Đó còn là việc những hộ dân ở khu vực cao, nước không ngập đến sẵn sàng đón các hộ dân ở vùng bị ngập đến tá túc và lo chuyện cơm nước; là hình ảnh chiếc ô tô chạy chậm để chắn gió cho xe máy qua cầu; hay chuyện một sản phụ được mọi người hỗ trợ sinh con trên chiếc ghe nhỏ giữa trời mưa lũ…

Quả thực, trong hoạn nạn mới thấy tình người càng gắn bó, khăng khít, trong gian nguy càng sáng nghĩa đồng bào. Có những người ở cách nhau hàng trăm hàng nghìn cây số, chưa một lần gặp mặt, trò chuyện quen biết; có những người hằng ngày vẫn bận rộn lam lũ mưu sinh hay chính nhà mình cũng đang ngập chìm trong dòng lũ vẫn sẵn sàng đến với nhau bằng cả tấm lòng, sẵn sàng chìa tay ra khi ai đó gặp hoạn nạn, khó khăn. Chính sự chia sẻ trong lúc này mới thật đáng trân quý.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.