Multimedia Đọc Báo in

Kết nối yêu thương đến với học sinh nghèo điểm trường vùng sâu

07:59, 10/11/2020

Với mong muốn kết nối, chia sẻ khó khăn với giáo viên và học sinh ở các điểm trường lẻ, đầu tháng 11 vừa qua, Chương trình kết nối yêu thương do Dự án cộng đồng "Thư viện về buôn" và "Giọt nước yêu thương" cùng mạnh thường quân đã tổ chức tặng quà cho các điểm trường tại thôn 4, xã Cư San, huyện M'Drắk.

Theo đó, chương trình đã trao tặng điểm Trường Mầm non Hoa Ban và Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng 1 tủ sách, 15 bộ bàn ghế mầm non, 6 bình lọc gốm, 220 thùng mì tôm, 1 tủ hồ sơ, 165 áo khoác… với tổng trị giá 50 triệu đồng.

Các mạnh thường quân trao quà tặng các em nhỏ điểm Trường Mầm non Hoa Ban.
Các mạnh thường quân trao quà tặng các em nhỏ điểm Trường Mầm non Hoa Ban.

Do hai điểm trường này nằm trên một ngọn đồi, tách biệt với các thôn khác trong xã, đường chủ yếu là đường cấp phối, trơn trợt, đèo dốc và phải vượt qua một con suối lớn nên để chuyển được số quà trên đến nơi, Ban tổ chức chương trình phải chuyển quà qua hai chuyến xe tải từ TP. Buôn Ma Thuột đến trung tâm xã Cư San; sau đó dùng xe tải công suất lớn (chuyên chở cát, sỏi) vận chuyển quà từ trung tâm xã về điểm trường lẻ ở thôn 4.

Chương trình kết nối yêu thương do Dự án cộng đồng "Thư viện về buôn" và "Giọt nước yêu thương" thực hiện là chương trình thiện nguyện cộng đồng do mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí bằng tiền mặt hoặc quà tặng, tài trợ xe vận chuyển hàng hóa, đồ dùng học tập đến các điểm trường vùng sâu vùng xa. Tất cả các điểm trường đều được khảo sát trước để bảo đảm sự kết nối, trao tặng đúng địa chỉ người cần và sát với thực tế.

Không giấu nổi niềm vui, cô Trần Thị Hải Lụa, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, các thầy cô giáo và học sinh rất vui khi có đoàn thiện nguyện tới thăm. Bởi đây là điểm trường xa nhất, khó khăn nhất mà cô đã từng đi tăng cường trong gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục huyện M’Drắk. Sự khó khăn, thiếu thốn hiện hữu từ việc đi lại do đường sá cách trở đến quá trình tiếp cận học sinh và dạy dỗ các em trên lớp. Bởi tất cả học sinh tiểu học và mẫu giáo ở điểm trường thôn 4 đều là con em đồng bào Hmông. Hằng ngày sau giờ tan trường, các em phải làm việc nhà, phụ giúp ba mẹ trông em. Việc mua sắm quần áo mới hay sách vở, dụng cụ học tập… là điều rất khó và hiếm. Do đó, “cách cho” - trao quà tận tay của mạnh thường quân - đã giúp học sinh hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài thông qua những cuốn sách, dụng cụ học tập; còn bản thân phụ huynh cũng cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia thiết thực của mạnh thường quân.

Khoác chiếc áo mới lên người, em Hảng Thị La Xinh (học sinh lớp 4C, điểm Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng) vui vẻ bày tỏ, hằng ngày, sau giờ tan học em phải trông em nhỏ, làm việc nhà để ba mẹ mình chuyên tâm việc nương rẫy. Nhà khó khăn nên lâu lắm rồi em không được mặc quần áo mới. Nay được chương trình tặng chiếc áo ấm mới, em rất vui.

Chương trình trao tặng bình lọc gốm với mong muốn giúp các em học sinh điểm thôn 4 có nước sạch để uống
Chương trình trao tặng bình lọc gốm với mong muốn giúp học sinh ở điểm trường thôn 4 có nước sạch để uống.

Trong khi đó, theo cô H’Ni Hwing, giáo viên ở điểm Trường Mầm non Hoa Ban, điểm trường có 45 học sinh ở độ tuổi 3 - 5 tuổi, các em học chung một lớp theo chương trình lớp ghép trong điều kiện khá thiếu thốn. Tủ đựng hồ sơ, bàn ghế, tập tô màu, đồ chơi lắp ghép… là những món quà thiết thực đối với việc dạy và học tại trường. Đặc biệt, bộ xếp hình, lego là những đồ dùng lần đầu tiên các em nhìn thấy và được chơi nên bạn nhỏ nào cũng vui vẻ, thích thú.

Anh Phạm Thanh Tuấn, người trực tiếp khảo sát và thực hiện Chương trình kết nối yêu thương tại điểm trường thôn 4, xã Cư San trăn trở: Khó khăn của học sinh gặp phải tại điểm trường lẻ nói chung và điểm trường này nói riêng rất lớn. Bởi hầu hết điểm trường thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, ngoài điều kiện kinh tế của phụ huynh khó khăn thì khoảng cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn còn ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sinh hoạt, học tập, tìm hiểu thông tin, giao thương hàng hóa… Do đó, mạnh thường quân có thể hỗ trợ bằng nhiều cách thức khác nhau từ quần áo cũ, mới, dụng cụ học tập… đến quyên góp tiền để mua vật dụng thiết yếu cho các điểm trường. Điều đặc biệt là có những bạn trẻ ngoài ủng hộ vật chất còn trực tiếp tham gia chuyến đi để cùng trải nghiệm hành trình thiện nguyện, trao quà tận tay các em nhỏ.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.