Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ: Giúp người nghèo an cư

07:10, 29/12/2020

Nhờ nỗ lực triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 33), những năm qua nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm bớt khó khăn về nhà ở, đảm bảo "an cư lạc nghiệp".

Triển khai Quyết định 33, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Đề án) và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và các địa phương tập trung triển khai, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đạt tỷ lệ cao.

Chị H’Mlam Byă (thứ tư từ trái sang) ở buôn  Ê Ga, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) chia sẻ niềm vui  khi vừa xây được ngôi nhà mới.
Chị H’Mlam Byă (thứ tư từ trái sang) ở buôn Ê Ga, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) chia sẻ niềm vui khi vừa xây được ngôi nhà mới.

Theo Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh có 9.703 hộ được hỗ trợ theo Đề án của UBND tỉnh. Nhằm triển khai Đề án, Sở Xây dựng đã giới thiệu mẫu nhà để người dân tham khảo, đồng thời phối hợp với các sở, ngành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách. Kết quả thực hiện từ năm 2016 đến quý III-2020,  toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 7.808/9.703 hộ nghèo, với tổng nguồn vốn hơn 312 tỷ đồng để xây dựng nhà ở. Phần lớn nhà được xây dựng đạt tiêu chuẩn, đảm bảo "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng) theo quy định, giá trị mỗi nhà bình quân khoảng 40 - 50 triệu đồng, nhiều gia đình có sự giúp đỡ của dòng họ, cộng đồng đã làm được ngôi nhà lớn, khang trang trị giá khoảng 100 triệu đồng. Một số địa phương đã chủ động tích cực triển khai chính sách, cơ chế quản lý và cách tổ chức thực hiện tốt như: Ea Kar, Lắk, Krông Năng, M’Drắk…

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và “Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh” của UBND tỉnh, vì vậy Sở Xây dựng cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã đang tích cực phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu theo Đề án được duyệt.

Là địa phương đầu tiên triển khai đồng loạt Đề án, huyện Ea Kar đã có những bước đi hiệu quả, nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân nhờ chủ động tích cực triển khai chính sách, cơ chế quản lý. Khi thực hiện chương trình, huyện đã sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng Đề án. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện là đơn vị chủ công đã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức kiểm tra đảm bảo diện tích, quy mô, chất lượng nhà ở theo quy định. Ông Trần Duy Trường, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar cho biết, xác định chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ là cơ hội lớn để giúp địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát nên cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đã cùng đồng lòng, quyết tâm để đưa hộ nghèo vươn lên. Trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn huyện có 1.067 hộ nghèo được hỗ trợ theo Đề án. Tính đến nay, toàn huyện có 686 hộ xây xong nhà, số hộ còn lại đang triển khai xây dựng. Để Đề án đến được với người dân, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp ngành, đặc biệt là những cán bộ cấp cơ sở.

Bà H'Nhai Mlô ở buôn Ea Knốp (thứ tư từ trái sang) ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar) chia sẻ niềm vui khi vừa xây được ngôi nhà mới.
Bà H'Nhai Mlô ở buôn Ea Knốp (thứ tư từ trái sang) ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar) chia sẻ niềm vui khi vừa xây được ngôi nhà mới.

Kể về cách làm của đơn vị mình, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) Nguyễn Trọng Thắng chia sẻ, toàn xã có 32 hộ đăng ký xây nhà theo Đề án giai đoạn 2016 - 2020, đến nay đã xây được 20/32 nhà, còn 12 nhà chuyển qua xây dựng theo chương trình nhà Đại đoàn kết. Riêng trong năm 2020 có 7 nhà xây dựng theo Đề án và đã hoàn thành xong. Để Đề án được triển khai nhanh, cán bộ xã đã đến từng nhà vận động các gia đình tạm vay của họ hàng, bạn bè để sớm triển khai xây dựng. Đối với những hộ không có khả năng tự xây do hoàn cảnh gia đình neo đơn, đường sá đi lại khó khăn, huyện, xã đã có kế hoạch huy động các đoàn thể, tổ chức, cá nhân phụ giúp về công xây dựng, vận chuyển vật tư… Chẳng hạn như gia đình chị H’Mlam Byă (buôn  Ê Ga, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) là hộ nghèo từ năm 2013. Vợ chồng chị có hai con, không có đất sản xuất và quanh năm đi làm thuê nên mơ ước về một ngôi nhà khang trang của chị chỉ thành hiện thực khi được Nhà nước hỗ trợ, Ngân hàng Chính sách xã hội và bà con, họ hàng cho vay thêm.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban chức năng, các địa phương đẩy nhanh thực hiện công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo trong danh sách, đảm bảo hoàn thành Đề án trong năm 2020 và đáp ứng điều kiện giải ngân các nguồn vốn đã phân bổ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến việc xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định; kịp thời kiểm tra, thẩm tra lập hồ sơ đưa ra khỏi Đề án những trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.