Multimedia Đọc Báo in

Thị trấn Ea Súp: Nhiều khu dân cư thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng

06:56, 03/01/2021

Thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) có hơn 3.400 hộ dân, trên 14.000 nhân khẩu sinh sống ở 20 thôn, buôn, tổ dân phố (TDP).

Đến nay, 12/20 thôn, buôn, TDP được công nhận "Khu dân cư văn hóa"; 5 khu dân cư, gồm: các thôn 1, 3, 4, TDP Thống Nhất và TDP Hòa Bình được UBND huyện tặng Giấy khen 5 năm liên tục đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa". Tuy nhiên hiện chỉ 5 buôn có nhà văn hóa cộng đồng, còn 15 thôn, TDP vẫn chưa có “ngôi nhà chung” để sinh hoạt do thiếu quỹ đất, chưa được bố trí quy hoạch...

Nhà Trưởng thôn 4 Bùi Công Trình thường xuyên là địa điểm tổ chức họp dân.
Nhà Trưởng thôn 4 Bùi Công Trình thường xuyên là địa điểm tổ chức họp dân.
7 khu dân cư gồm: các thôn 1, 2, 7, 8, 9, 10 và TDP Hòa Bình của thị trấn Ea Súp đã có quỹ đất và đang chờ bố trí quy hoạch; các khu dân cư còn lại chưa có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.

Ông Vũ Hữu Tiến (TDP Hòa Bình) phản ánh, do không có nơi tổ chức họp cố định nên mỗi lần họp TDP phải thường xuyên thay đổi địa điểm, lúc thì mượn hội trường trường học, khi thì ở quán ăn, khi nhà dân… Trước khi họp mấy ngày, các thành viên trong Ban tự quản TDP phải mượn địa điểm, chia nhau đi thông báo tới từng hộ dân. Do không đủ chỗ, thiếu ghế, nên người đứng, người ngồi; chưa kể mái che ở sân không đủ nên có hôm đang họp gặp trời mưa to, mọi người tất tả tìm chỗ trú… hỏng cả cuộc họp! Do vậy nên tỷ lệ người dân TDP Hòa Bình tham dự các cuộc họp chỉ đạt 60 - 70%.

Tương tự, thôn 4 có 120 hộ, 425 nhân khẩu mỗi lần họp dân cũng đều phải mượn nhà dân. Ông Bùi Công Trình, Trưởng thôn 4 cho hay: “Thôn 4 thành lập đã 42 năm, nhưng từ đó đến nay, mỗi lần tổ chức họp đều phải tìm nhà dân có mái che, sân đủ rộng cho cả trăm người để mượn họp. Vào dịp lễ, tết, hay các sự kiện lớn như: đại hội, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc... muốn treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu, trang trí, nhưng sợ phiền hà chủ nhà nên lại thôi. Bằng khen, giấy khen, bàn ghế, loa đài… đều để ở nhà tôi, mỗi lần họp hành, liên hoan lại phân công người tới mang đi”. Điều đáng lo ngại là do không có nhà văn hóa cộng đồng, nên cứ đến dịp hè thiếu nhi sinh hoạt tại nhà Bí thư Chi đoàn của thôn, song nhà lại ở cạnh mương nước sâu khiến phụ huynh rất lo lắng. Hiện tại, thôn 4 có một ao cá rộng khoảng hơn 1 sào bỏ không, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri xin được làm nhà văn hóa cộng đồng ở đây... nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Không có nhà văn hóa cộng đồng nên giấy khen, bàn ghế… của thôn 4 đều tập trung để tại nhà Trưởng thôn 4 Bùi Công Trình.
Không có nhà văn hóa cộng đồng nên giấy khen, bàn ghế… của thôn 4 đều tập trung để tại nhà Trưởng thôn 4 Bùi Công Trình.

Có nhà văn hóa cộng đồng cũng là mong muốn của người dân thôn 3 nhiều năm qua nhưng hiện đang thiếu quỹ đất để xây dựng. Thôn 3 thành lập từ năm 1994, nhưng đến nay người dân vẫn chưa có nơi sinh hoạt chung. Trưởng thôn 3 Trương Thị Hợp chia sẻ: "Địa bàn thôn 3 rộng, dân cư sống không tập trung, nên không thể sử dụng loa phát thanh để thông báo, tất cả cuộc họp, thành viên Ban tự quản thôn phải đi đến từng nhà để thông báo hoặc gửi giấy mời". Để người dân thuận tiện tham gia họp, 10 năm qua các cuộc họp đều tổ chức tại nhà trưởng thôn. Tuy có nơi họp cố định nhưng là nhà riêng nên mỗi khi tập luyện văn nghệ không được mở loa quá to, không có sân khấu biểu diễn, không có sân để luyện tập thể thao, nên các hoạt động phong trào của thôn chưa phát triển mạnh.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.