Multimedia Đọc Báo in

Những bài viết nặng nỗi suy tư

07:37, 21/06/2021

Những chuyến đi cơ sở với trải nghiệm thực tế thường mang lại cho nhà báo nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó thường trĩu nặng suy tư về những mảnh đời bất hạnh, khốn khó.

Có những chuyện tưởng chừng rất nhỏ, xảy ra đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ đến với bao nỗi thương cảm. Còn nhớ, trong chuyến công tác về huyện Krông Năng, chúng tôi gặp một cụ già sống một mình trong túp lều xiêu vẹo gá tạm bằng mấy cành cây khô và tấm bạt bao quanh nằm bên trục đường đến xã Ea Hồ.

Hỏi chuyện thì cụ không nhớ gì về người thân, quê quán, chỉ biết bấy lâu cứ đi lang thang ăn xin khắp nơi, khi đau yếu đi đứng không vững nữa thì ở lại trong căn lều này, cái ăn hằng ngày trông chờ vào lòng hảo tâm của người qua lại. Nhìn ánh mắt vô định của cụ già trong căn lều lụp xụp bốc mùi ẩm mốc, không ai ngăn được sự thương cảm, suy tư về cảnh cô đơn tuổi xế chiều, về những phận đời khốn khó.

Nỗi niềm ấy đã được tôi chuyển tải qua bài viết, từ đó kết nối, kêu gọi sự quan tâm chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm. Được biết, hiện nay, một nhóm thiện nguyện ở thị xã Buôn Hồ hằng tháng đều đến trao quà, tiền và nhu yếu phẩm hỗ trợ cho cụ.

Nhóm thiện nguyện ở thị xã Buôn Hồ đến thăm và trao quà cho cụ ông sống một mình ở huyện Krông Năng.
Nhóm thiện nguyện ở thị xã Buôn Hồ đến thăm và trao quà cho cụ ông sống một mình ở huyện Krông Năng.

Một trường hợp khác cũng in sâu vào tâm trí tôi dù đã nhiều năm trôi qua. Đó là hai đứa trẻ ở huyện Krông Bông (đứa lớn chỉ mới 6 tuổi, đứa bé hơn 4 tuổi) vừa mới mồ côi cha thì mẹ cũng bỏ đi để chúng lại cho ông bà nội. Vì ông bà già yếu, nghèo khó nên gia đình người cô (thuộc diện hộ nghèo) đành mang cả hai đứa cháu về cưu mang, nhưng thiếu giấy tờ làm thủ tục cho chúng đến trường vì người mẹ khi bỏ đi đã mang theo cả sổ hộ khẩu của gia đình. Khi trực tiếp gặp mặt, trò chuyện với hai em và gia đình người cô, chúng tôi không thể nén được cảm xúc của mình.

Đó không chỉ là sự thương cảm, xót xa mà còn là nỗi đau đớn như mình chính là người trong cuộc. Hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy là một nguồn tư liệu cho chúng tôi thực hiện loạt bài về vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em sau đó, nhưng cách thể hiện tránh khơi gợi, khoét sâu nỗi đau bị bỏ rơi vào tâm hồn non nớt, trong sáng của những đứa trẻ, mà quan trọng là chuyển tải đến bạn đọc về trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ, của người lớn đối với con trẻ.

Cán bộ chính sách huyện Lắk khảo sát tình hình một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Cán bộ chính sách huyện Lắk khảo sát tình hình một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Biết rằng, mỗi con người có một hoàn cảnh, số phận khác nhau và ai cũng nỗ lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Thế nhưng mỗi lần gặp hoàn cảnh như thế, chúng tôi cảm nhận rõ hơn nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, thấu hiểu hơn nỗi vất vả, khổ cực của phận người không may mắn, qua đó tự soi rọi lại mình để thêm ý thức trách nhiệm về công việc, làm cầu nối cho những tấm lòng hảo tâm tìm đến sẻ chia, giúp đỡ. Không chỉ thế, qua mỗi bài viết, người làm báo còn góp phần nuôi dưỡng, xây dựng một xã hội giàu tình yêu thương, biết quan tâm, sẻ chia giúp đỡ những người yếu thế, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Thúy Hồng

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.