Multimedia Đọc Báo in

Phía sau những bài báo…

07:40, 21/06/2021

Với nhiệm vụ chính là tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, thời gian qua, những phóng viên làm công tác bạn đọc (CTBĐ) Báo Đắk Lắk đã không ngại khó, ngại khổ, lần theo thông tin được cung cấp để tìm hiểu và phản ánh kịp thời, chính xác những sự việc gây bức xúc trong nhân dân.

Cầu nối của bạn đọc

Mảng bạn đọc của Báo Đắk Lắk hiện có 5 phóng viên tham gia phụ trách. Hằng ngày, ngoài tiếp đón bạn đọc trực tiếp đến tòa soạn, chúng tôi cũng nhận được nhiều đơn thư, các cuộc gọi điện thoại thắc mắc, khiếu nại, cung cấp thông tin của người dân.

Đa phần đơn thư chúng tôi tiếp nhận, hầu hết đã được người dân gửi đến các cơ quan công quyền trước đó nhưng không nhận được hồi đáp hoặc hồi đáp không thỏa đáng. Chính vì vậy, nhiều người chọn các cơ quan báo chí làm nơi gửi gắm niềm tin, với hy vọng tiếng nói của cơ quan ngôn luận sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ giải quyết vụ việc.

Ảnh phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận sự việc thảm nhựa khi nền đường ướt sũng do người dân phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh.
Ảnh phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận sự việc thảm nhựa khi nền đường ướt sũng do người dân phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh.

Làm CTBĐ vui nhưng cũng “mệt” vì phải lắng nghe nỗi bức xúc, lời phàn nàn và đôi khi là những phản ứng thái quá từ phía bạn đọc. Tuy vậy, chúng tôi vẫn dành thời gian để tìm hiểu, đồng cảm với từng hoàn cảnh, đặt mình vào vị trí của họ để hiểu rõ thêm từng trường hợp.

Có lần, một người đàn ông lớn tuổi hớt hải chạy đến tòa soạn, gào la: “Nhà báo tới ngay bệnh viện tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ) cứu cháu tôi với, nó uống phải dầu hỏa đang cấp cứu mà bác sĩ bỏ mặc không cứu chữa”. Biết ông đang lo lắng nên đồng nghiệp của tôi lựa lời động viên, trấn an và tìm hiểu câu chuyện. Sau khi trao đổi qua điện thoại với một bác sĩ khoa cấp cứu của bệnh viện, chị nhẹ nhàng phân tích để ông hiểu rõ, các bác sĩ đã làm các biện pháp sơ cứu ban đầu cho đứa trẻ và đang tiến hành các thủ tục xét nghiệm cần thiết để có hướng điều trị, nên tạm thời để cháu bé nằm chờ. Được khuyên giải, ông lão nhẹ lòng hơn rồi rời tòa soạn. Lúc ấy, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, không tìm hiểu ngọn ngành sự việc để khuyên giải thì không biết người đàn ông đó sẽ phản ứng tiêu cực như thế nào...

Cũng không ít lần, do tìm hiểu các sai phạm của một số tổ chức, cá nhân ảnh hưởng đến lợi ích của người dân mà người làm CTBĐ bị đe dọa, hành hung. Còn nhớ một buổi chiều tháng 7-2014, nhận được điện thoại của người dân ở tổ dân phố 7, 8 phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh đơn vị thi công đường Võ Thị Sáu tiến hành thảm nhựa đường khi trời mưa. Lo ngại việc thảm nhựa không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng kết cấu, chất lượng của công trình, chúng tôi đã ghi nhận sự việc và tìm cách liên lạc với chủ đầu tư để trao đổi thông tin. Khi đang chụp ảnh hiện trường thì có một nam thanh niên từ phía đơn vị thi công đến giật máy ảnh và to tiếng yêu cầu chúng tôi xóa hết những bức ảnh đã chụp. Lúc ấy, chính những người dân đã bảo vệ chúng tôi an toàn không xảy ra xô xát, còn đơn vị thi công chắc vì e ngại sự việc bị đưa lên mặt báo nên đã phải dừng việc thảm nhựa đường.

Bạn đọc theo dõi các vụ việc được phản ánh trên Báo Đắk Lắk. Ảnh: L.Thành
Bạn đọc theo dõi các vụ việc được phản ánh trên Báo Đắk Lắk. Ảnh: L.Thành

Hiệu ứng sau những bài báo

Công việc nhiều, nhân lực lại thiếu, nhưng với người làm CTBĐ Báo Đắk Lắk, khi bài viết phản ánh có hiệu ứng tích cực, mỗi lời cảm ơn của người dân là món quà và cũng là động lực lớn lao giúp chúng tôi vững tâm hơn với nghề. Tuy vậy, ít ai biết, đằng sau mỗi con chữ, bài báo cũng là biết bao trăn trở...

Mảng đơn thư vốn nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và danh dự của cá nhân, tập thể. Chỉ cần một chi tiết sai, một thông tin thiếu chính xác có thể gây hậu quả khôn lường. Vì vậy, việc xác minh, kiểm chứng vụ việc phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, thông qua nhiều nguồn tin khác nhau. Không thể đếm hết những lần phóng viên vượt hàng trăm cây số đến những vùng xa xôi để tìm hiểu đơn thư. Không ít lần, đến nơi phải ra về tay trắng chỉ đơn giản là vì bạn đọc đổi ý, hoặc sự việc bạn đọc phản ánh không hoàn toàn đúng sự thật.

Phóng viên Báo Đắk Lắk tìm hiểu thông tin về một vụ phá rừng tại Ea Súp. Ảnh: L.Thành
Phóng viên Báo Đắk Lắk tìm hiểu thông tin về một vụ phá rừng tại Ea Súp. Ảnh: L.Thành

Vất vả là thế nhưng nhờ những nỗ lực của người làm CTBĐ, rất nhiều vụ việc sau khi được phản ánh trên Báo Đắk Lắk đã được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết như: bài viết “Có một bến đò ngang không ai quản lý” – viết về bến đò Kiến Xương trên sông Krông Ana (thuộc địa bàn xã Buôn Triết, huyện Lắk). Sau khi bài viết đăng tải, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã gửi thư cảm ơn sự phản ánh kịp thời của Báo Đắk Lắk, đồng thời yêu cầu UBND huyện Lắk kiểm tra, xử lý sớm những bất cập tại bến đò.

Hay như bài viết: Xã Ea Ô (huyện Ea Kar): Công trình tiền tỷ “nằm đắp chiếu” – viết về công trình xây dựng cầu Ea Rớt được triển khai thi công với số vốn hàng chục tỷ đồng, nhưng bị bỏ dở ảnh hưởng đến việc giao thương của người dân. Trước những phản ánh chân thực của báo chí, chủ đầu tư công trình đã nhanh chóng tiến hành xây dựng, sửa chữa các hạng mục hư hỏng vì bị bỏ dở và hoàn thiện cầu đưa vào lưu thông chỉ trong vòng một năm…

Hồng Chuyên


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.