Multimedia Đọc Báo in

Phức tạp mại dâm phố núi

09:13, 28/07/2013

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có khoảng trên 300 nhân viên, tiếp viên nữ làm việc tại 60 cơ sở có dấu hiệu liên quan đến tệ nạn mại dâm, chủ yếu là vũ trường, cơ sở mát-xa, karaoke đèn mờ, cà phê đèn mờ…

Đủ kiểu

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột hiện là điểm nóng về hoạt động mại dâm. Nhiều tuyến phố mà chỉ nhắc đến tên thôi là người ta biết ngay nơi đó đang kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Đơn cử các tuyến đường như Lê Thị Hồng Gấm, Ngô Quyền, Lý Tự Trọng, Giải Phóng… đã thành thương hiệu đường “cắt tóc nam”. Ông Đinh Xuân Tứ - Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Chi cục nhiều lần đi kiểm tra thực tế, và có chung nhận định, các quán “cắt tóc nam” bên ngoài trưng biển rất “kêu”, thực chất trong tiệm chỉ lèo tèo vài dụng cụ để lấy tai, cạo mặt nhằm qua mắt cơ quan chức năng, hoạt động chính là cắt tóc hầu như mù tịt. Không chỉ “khiêm tốn” về diện tích, nhân viên tiệm toàn nữ, tuổi đời trẻ măng, ăn mặc mát mẻ, phản cảm và luôn chủ động chèo kéo khách vào cắt tóc, khi khách vào thì được đưa ra ngăn phía sau để “cắt tóc” không dao kéo. Đoàn liên ngành của Ban chỉ đạo đã nhiều lần đi kiểm tra và lần nào cũng phát hiện sai phạm. Theo ông Tứ, “cắt tóc nam” ngoài tiềm ẩn mại dâm, nhiều cô gái còn lợi dụng dịch vụ này để giăng bẫy khách, có không ít trường hợp khi vào đây “cắt tóc” đã bị các cô gái này lừa trộm sạch tiền, nhiều khách hàng vì xấu hổ mà không dám trình báo, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Để giảm tệ nạn từ các quán “cắt tóc nam”, Chi cục phải làm một việc “bất đắc dĩ”, đó là đến từng tuyến “phố nóng” vận động các chủ nhà không cho thuê nhà để mở tiệm cắt tóc nam, nhưng việc này xem ra còn “khó hơn lên trời”.

Hoạt động “cắt tóc nam” tiềm ẩn tệ nạn mại dâm và rất khó xử lý.  (ảnh minh họa) 
 Hoạt động “cắt tóc nam” tiềm ẩn tệ nạn mại dâm và rất khó xử lý. (ảnh minh họa)

Không chỉ có các tuyến phố “cắt tóc nam” có hoạt động mại dâm, nhiều tuyến đường thuộc khu vực phường Tân Lợi, Tân An đã trở thành “bến đợi” quen thuộc của một số gái bán dâm đã lớn tuổi hoặc ngoại hình có khiếm khuyết đứng đón khách mua dâm công khai. Hay nhiều nhà nghỉ, khách sạn, đặc biệt là khu vực đường C. Đ – phường Tân Lập luôn là điểm nóng nổi tiếng về tệ nạn mại dâm. Tại đây, cả ngày lẫn đêm, các đối tượng môi giới, chủ nhà nghỉ đứng cả ra đường chèo kéo khách vãng lai vào nhà nghỉ, nếu khách có nhu cầu mua dâm, sau khi thỏa thuận giá cả, các đối tượng hướng dẫn khách đến thuê phòng rồi điều gái đến để bán dâm. Số gái bán dâm chủ yếu đến từ ngoại tỉnh, họ thuê phòng ngay tại các nhà nghỉ, khách sạn thuộc khu vực này để bán dâm hoặc được các đối tượng môi giới nuôi, chăn dắt và điều hành đi bán dâm khi khách có nhu cầu. Vấn đề này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn. Lực lượng chức năng đã nhiều lần truy quét, thu gom số gái bán dâm tại khu vực này, đưa vào Trung tâm giáo dục lao động tỉnh để giáo dục, giúp họ hoàn lương, nhưng khi trả về họ lại lập tức lao vào con đường cũ.

Tinh vi, khó xử lý

Đại tá Đoàn Quốc Thư – Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đưa ra nhận định: hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn ra phức tạp, kín đáo và tinh vi, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cắt tóc thanh nữ, cà phê đèn mờ, quán ăn uống có hát karaoke… Giữa đối tượng chủ chứa, môi giới và chăn dắt gái có sự câu kết chặt chẽ với nhau, chúng sử dụng điện thoại di động để trao đổi, thỏa thuận giá cả và tỷ lệ ăn chia cho việc mua bán dâm theo yêu cầu của khách, sau đó điều gái bán dâm đến địa điểm đã hẹn trước để thực hiện hành vi mua bán dâm. Một số khách sạn, nhà nghỉ còn giao cho lễ tân, bảo vệ trực tiếp điều động, hoặc cố ý làm ngơ để nhân viên liên hệ với gái bán dâm đến phục vụ ngay tại cơ sở nhằm tăng khách. Không chỉ vậy, nhiều đối tượng chủ chứa còn trực tiếp nuôi gái bán dâm (dưới hình thức nhân viên phục vụ) tại nhà riêng, cơ sở kinh doanh dịch vụ của chúng để phục vụ khách mua bán dâm ngay tại chỗ với trường hợp là khách quen, có uy tín, thường xuyên đến hát karaoke, ăn uống, nghỉ ngơi. Gần đây còn nổi lên tình trạng các đối tượng môi giới trước đây là gái bán dâm, có nhiều mối quan hệ với khách mua dâm, sau khi không hành nghề bán dâm, chúng tìm cách móc nối với một số gái bán dâm, khi khách có nhu cầu mua dâm, chúng sẽ sử dụng điện thoại di động điều gái đến các khách sạn, nhà nghỉ theo yêu cầu của khách để thực hiện hành vi mua bán dâm. Vì thế, công tác xác minh, xâm nhập thực tế các tụ điểm, nắm bắt di biến động, theo dõi là vô cùng khó khăn.

Ông Đinh Xuân Tứ - Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho rằng, việc xử lý vi phạm về tệ nạn xã hội, cụ thể là mại dâm hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, chưa mang được tính răn đe. Ông Tứ dẫn chứng, như số gái bán dâm đứng đường, khi bắt giữ, trên người họ không mang theo giấy tờ tùy thân, việc xác minh xử phạt hành chính gần như là không thể. Mặt khác, đa số họ có khiếm khuyết, đã lớn tuổi hoặc mắc một số bệnh xã hội, có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, khi thu gom về trung tâm giáo dục, không thể chuyển sang hình thức giáo dục khác, tha về họ lại quay ra hành nghề.

Một khó khăn khác, đối với những người hoạt động mại dâm, việc đưa vào các trung tâm giáo dục, giúp họ hoàn lương, hòa nhập vào cộng đồng không phải dễ. Bởi vấn đề ở đây là xã hội đang kỳ thị, cái nhìn về mại dâm còn gay gắt. Nhiều gái bán dâm sau khi được giáo dục, trở về họ lại quay vào con đường cũ, có người quay lại hành nghề ngay tại nơi cũ, có người lại tìm cách “dạt” sang các huyện lân cận tiếp tục hành nghề, trong nhiều lần đi kiểm tra, truy quét, ngành chức năng bắt gặp không ít gái bán dâm đã quá “nhẵn mặt” với điệp khúc bắt – thả.    

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​