Multimedia Đọc Báo in

Tin đồn "ma độc" và khám bệnh qua... áo của "thầy" thuốc

10:23, 21/02/2014

Chẳng biết xuất phát từ đâu, nhưng chuyện “ma độc” đã và đang khiến cho nhiều gia đình “tiền mất tật mang”. Và, câu chuyện về “ông thầy thuốc” có “tài” khám bệnh qua… áo để giải “ma độc”như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người dân nhẹ dạ cả tin…

Đồn thổi “ma độc” về làng

Thời gian gần đây, ở thôn Xuân Thái 3 xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), người dân nhỏ to rỉ tai nhau cho rằng đã có nhiều người bị nhiễm “ma độc”. Ly kỳ hơn là nó chỉ tấn công vào những người mang họ Hồ và họ Dương. Gặp chúng tôi, chị Hồ Thị N. không giấu được vẻ hoang mang: “Họ Hồ ở đây chỉ còn mỗi tôi là chưa bị “ma độc” nhập”. Rồi chuyện chị Dương Thị L. được “ông thầy” ở phố trừ khỏi “ma độc” lan nhanh. Từ đó, cứ ai thấy trong người “khó ở” với cảm giác mệt mỏi, chán nản, lười ăn,… là kéo nhau lên Buôn Ma Thuột tìm gặp “thầy”. Người dân ở Phú Xuân kháo nhau rằng: “Thầy” Thiện ở phố rất giỏi. Chỉ cần uống 3 thang thuốc mà “thầy” cắt cho là trừ được “ma độc”, lập tức khỏi bệnh. “Thầy” thậm chí chẳng cần gặp trực tiếp người bệnh mà chỉ cần khám bệnh qua… áo của người đó là chẩn đoán ra bệnh và cho thuốc.

Không riêng gì chị L. mà một số người dân nơi đây mỗi khi thấy người mệt mỏi, đi khám bệnh viện không tìm ra bệnh thì đều cho là bị “ma độc” nhập. Tin đồn “ma độc” cũng đã và đang gây xôn xao đến thôn 10, xã Ea Kly (huyện Krông Pak). Họ còn cho rằng “ma độc” là do người ta nuôi để hại nhau…  Rõ ràng, đây là sự đồn thổi ác ý của những kẻ xấu, không có căn cứ khoa học, tạo sự lo lắng trong dân cư và làm mất trật tự an ninh xã hội.

Khám bệnh qua... áo

Nghe những người trúng “ma độc” khẳng định “thầy” Thiện rất giỏi, chúng tôi mang một chiếc áo pull của một người hoàn toàn khỏe mạnh đến nhờ “thầy” xem bệnh. Vừa đến đầu hẻm 93 đường Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột, hỏi nhà “thầy” Thiện, anh em tôi lập tức được một người phụ nữ nhanh nhẹn dẫn đường vào nhà.

       “Thầy” Thiện chừng trên 50 tuổi, giọng xứ Quảng lơ lớ, cộc lốc: “Ở đâu đến?”. “Tụi em có ông anh, mấy hôm nay chẳng ăn uống được gì. Đi hết mấy bệnh viện mà chẳng khám ra bệnh” - chúng tôi tỏ vẻ lo lắng. Ông Thiện vẫn giữ cái ngữ điệu cũ: “Sao không đưa lên đây?”. “Dạ, anh ấy yếu lắm chẳng đi được. Nghe nói thầy có thể xem bệnh qua áo nên tụi em mang sẵn áo của anh ấy lên”. “Đưa đây!”.

Nhận chiếc áo, ông Thiện tiến lại “bàn khám”. Chỗ “khám” của ông Thiện đơn sơ với một chiếc bàn, một cái ống nghe, một cái lọ nhỏ, bên trong chứa một ít bột màu trắng và một vật rắn hình trụ tròn, màu như nam châm, cũng nhỏ vừa với miệng lọ. “Thầy” Thiện kéo chiếc lọ ra, kê vật rắn lên trên rồi lấy chiếc áo chúng tôi đưa trùm lên đó. Sau khi hỏi tình trạng cái bụng của “anh” chúng tôi, “thầy” lấy ống nghe đặt lên chiếc áo tại vị trí có chiếc lọ bên dưới. Chưa đầy 10 giây, “thầy” Thiện phán ngay: “Bị nội tạng rồi đó... Bị dạ dày, đường ruột… Bị nhiễm trùng độc nên nó mới hành như vậy. Bây giờ cắt thuốc về uống cho nó tống ra thôi. Nó tống ra được thì mới ăn được ngủ được!” (?)

Ông Thiện giải thích: Trùng độc (mà người dân hay gọi là “ma độc”, “sâu độc”…) được người ta nuôi để hại những người mà họ ghen ghét. Loại trùng này cộng với chất độc tích tụ do ăn uống nên đã gây nên biến chứng. Khi đã bị biến chứng thì bác sĩ cũng không thể tìm ra bệnh. Người bị nhiễm trùng này để lâu sẽ di căn qua thần kinh rất nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, theo “thầy” Thiện, trước mắt không cần phải chở người bệnh đến khám trực tiếp mà chỉ cần mang thuốc về uống. Khi uống hết 3 thang thuốc thì chở người bệnh đến cho ông kiểm tra lại nếu cần thì cắt thêm thuốc.

Dặn dò xong, ông Thiện vào buồng mang ra một gói thuốc nhỏ trao cho chúng tôi rồi lấy 180 nghìn đồng. Theo ông Thiện, đây là thuốc Nam. Ban đầu uống loại thuốc này sẽ cảm thấy rất khó chịu. Bởi nó là loại thuốc rất “mạnh” giúp đẩy trùng độc ra ngoài. Hiện loại thuốc này rất hiếm, ông phải thuê đồng bào ở huyện Buôn Đôn vào rừng tìm kiếm. Theo quan sát của chúng tôi, gói thuốc của ông Thiện là một mớ hỗn độn các loại cây cỏ. Thuốc được cắt nhỏ đến mức một số đơn vị, cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực Đông y cũng không thể nhận biết được thành phần ngoài 2 vị dễ nhận biết nhất là mã đề và lạc tiên. Lấy tiền xong, “thầy” Thiện còn huyên thuyên: “Tôi chữa bệnh khắp cả nước. Người đến chỗ tôi rất đông”. Nói rồi “thầy” đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi nguệch ngoạc ngày tháng, tên và địa chỉ của người bệnh.

Với cách thức thăm khám và bán thuốc của “thầy” Thiện như hiện nay rất mong các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ.

                                                                               Nhóm PV bạn đọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.