Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ: Tìm cách làm hiệu quả

05:31, 17/04/2016

Thời gian qua, tuy các cấp Công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhưng hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn. Việc tìm ra một cách làm hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong công nhân, viên chức, lao động đang là “bài toán khó” đối với tổ chức Công đoàn.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh hiện quản lý 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 6 Công đoàn ngành địa phương với tổng số 1.727 công đoàn cơ sở, trên 76.800 đoàn viên công đoàn. Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã xây dựng, ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp, Ban ATGT huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa nội dung, tổ chức ký cam kết, triển khai đến các công đoàn cơ sở trực thuộc.

Công nhân lao động Nông trường  Cao su Hoàng Anh  Đắk Lắk nhận tờ rơi,  sổ tay tuyên truyền  về  pháp luật.
Công nhân lao động Nông trường Cao su Hoàng Anh Đắk Lắk nhận tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về pháp luật.

Bà Võ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đánh giá: “Thông qua công tác phối hợp tuyên truyền giữa LĐLĐ tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho đoàn viên, CNVCLĐ và người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do còn một số khó khăn, hạn chế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao bởi trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là ý thức của người tham gia giao thông”. Chẳng hạn như, vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 7-7-2015. Anh Nguyễn Đức Trí, công nhân quản lý vận hành đường dây 500 kV, Công ty Truyền tải điện 3 (Truyền tải điện Đắk Lắk) điều khiển xe gắn máy trên đường đi làm về đến khu vực trụ đèn số 76 (đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), do thiếu quan sát và không giữ khoảng cách an toàn nên đã va chạm với xe ô tô đi cùng chiều đang chuyển hướng vào cây xăng, khiến anh Trí tử vong. Hay như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Tuấn ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), năm 2010 trên đường đi làm về bị ngã, chấn thương cột sống nên đã bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân phải có người giúp đỡ. Mỗi lần kể về tai nạn giao thông đó, anh Tuấn vẫn ngậm ngùi: “Chỉ vì một phút lơ là, không tập trung hoàn toàn cho việc điều khiển xe gắn máy tôi đã bị té ngã, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân. Tôi mong tất cả mọi người khi tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ và luôn tập trung cao độ để có thể xử lý mọi tình huống bất ngờ xảy ra”.

Qua tìm hiểu được biết, những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ ngoài vấn đề về kinh phí, tài liệu tuyên truyền còn liên quan đến nhận thức của chính những người trong cuộc. Đó là, chủ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cơ sở chưa thực sự “mặn mà” với hoạt động này. Một bộ phận CNVCLĐ tuy nhận thức khá đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn có hành vi vi phạm các quy định khi tham gia giao thông như cố ý vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia quá nồng độ cho phép, điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ… Ở một số địa phương, sự phối hợp giữa công đoàn với Ban ATGT cùng cấp chưa chặt chẽ, đồng bộ; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa thu hút người lao động…

Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, tác hại của rượu bia với tai nạn giao thông, kỹ năng đi xe gắn máy an toàn... Các công đoàn cấp trên cơ sở chú trọng tổ chức phổ biến, quán triệt đến đoàn viên, CNVCLĐ về pháp luật giao thông và văn hóa giao thông; cấp phát tờ rơi tuyên truyền về ATGT đến cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn quan tâm vận động người tham gia giao thông, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy... Tuy nhiên, cũng theo bà Hạnh, để thực hiện hiệu quả công tác này, cần sự phối hợp, quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí, kiểm tra đôn đốc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban ATGT các cấp và người sử dụng lao động. Nhưng quan trọng hơn cả là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông của chính bản thân mỗi CNVCLĐ.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.