Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống bạo lực gia đình: Người trong cuộc cần lên tiếng

07:20, 31/03/2017

Mặc dù là nạn nhân chính của bạo lực gia đình nhưng với tư tưởng “xấu chàng hổ ai”, có rất nhiều chị em phụ nữ đã cam chịu và giấu kín, vậy nên tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng. Để phòng chống bạo lực gia đình, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể thì mỗi phụ nữ phải dũng cảm lên tiếng.

Gia tăng bạo lực gia đình

Mặc dù đã chung sống được hơn 20 năm, 2 con đều khôn lớn, trưởng thành nhưng mỗi khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” là chị P.T.C. (sinh năm 1971) ở thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột lại bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Sau mỗi lần bị chồng bạo hành, chị đều cam chịu, một phần muốn giữ gìn gia đình, hơn nữa nếu nói ra thì khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Thế nhưng, càng nín nhịn bao nhiêu, số lần chị bị chồng đánh càng tăng lên bấy nhiêu mà đỉnh điểm là năm 2016, trong một lần cãi vã, chị đã bị chồng đánh bầm dập khắp người, đầu chảy máu phải nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 1 tuần. Sau sự việc ấy, chị cũng muốn ly hôn cho xong nhưng vì nghĩ đến con gái lớn sắp lập gia đình nên lại nín nhịn cho qua mọi chuyện.

Chi hội phụ nữ buôn Húk A (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong các buổi sinh hoạt.
Chi hội phụ nữ buôn Húk A (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong các buổi sinh hoạt.

Chị Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Kao cho biết, trên địa bàn xã cũng xảy ra các vụ bạo hành gia đình nhưng đa số chị em đều giữ im lặng nên nếu Hội có biết cũng không thể làm gì được. Chỉ những vụ việc nạn nhân hoặc người thân lên tiếng, nhờ sự can thiệp, trợ giúp thì Hội sẽ phối hợp với Ban tự quản, đoàn thể địa phương đến thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để có hướng tư vấn, giúp đỡ phù hợp.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Từ năm 2009 đến cuối năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 9.102 vụ việc bạo lực gia đình; trong đó, 35,8% vụ việc bạo lực tinh thần, 49,3% bạo lực thân thể; 5,03% bạo lực tình dục và 9,7% bạo lực kinh tế.

Nguyên nhân của bạo lực gia đình là do các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình có chiều hướng mai một; tác động của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, rượu bia; nhận thức về giới, bình đẳng giới và những vấn đề về bạo lực gia đình còn hạn chế; một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; công tác phát hiện, xử lý người gây ra bạo lực gia đình chưa nghiêm khắc; nạn nhân nín nhịn, không thẳng thắn lên tiếng và coi đây là chuyện riêng của mỗi nhà…

Cùng vào cuộc

Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, quyết định về phòng, chống, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình các cấp.

Điều 42, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động như: treo băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh, diễu hành, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội diễn về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới... Các cơ quan thông tấn báo chí chủ động xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về hoạt động này. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức tập huấn, biên soạn, in ấn và cấp phát 2.000 cuốn sách “Các văn bản, chính sách về gia đình” cho cán bộ cơ sở làm cẩm nang trong quá trình tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình; phát hành 2.000 ấn phẩm truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới bằng 2 thứ tiếng Việt – Êđê; xây dựng và duy trì 273 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc, 472 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 527 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các mô hình trên đã phát huy được hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin, tổ chức hòa giải và thực hiện các biện pháp can thiệp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Các cơ sở y tế công lập đã thực hiện việc tiếp nhận, khám sàng lọc và chăm sóc y tế đối với nạn nhân bạo lực gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đẩy lùi bạo lực gia đình, điều quan trọng nhất là ngay từ khi có mầm mống, chị em phải nhìn thẳng vào vấn đề và dũng cảm lên tiếng bằng cách chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần bổ sung thêm các kỹ năng tự bảo vệ, các kiến thức pháp luật, dấu hiệu nhận biết bạo hành để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.