Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái phép

06:22, 20/05/2018

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện một số đối tượng lạ mặt đến dụ dỗ, lừa tuyển dụng trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS) đi lao động trái phép ở các tỉnh phía Nam. Điều đáng nói là đa số các trẻ em này đều bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị đánh đập, không được trả tiền công làm việc cùng với bao mối nguy hiểm khác rình rập.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tại địa bàn thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng) xuất hiện một người phụ nữ lạ mặt tiếp cận các gia đình có trẻ em từ 11-16 tuổi thuyết phục làm hợp đồng đưa 5 trẻ em trong thôn đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tất cả hợp đồng này đều không có giá trị pháp lý do không có điều khoản rõ ràng, không có chữ ký của người sử dụng lao động… Anh Hờ A Chu có con gái là Hờ Thị La (SN 2003) đi lao động ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: Người phụ nữ lạ mặt đến nhà thuyết phục gia đình rằng, cho con đi làm nghề với mức lương 10 triệu đồng/tháng, trả một lần vào cuối năm. Vả lại, thấy một số người trong thôn cũng ký hợp đồng cho con đi nên anh cũng làm theo. Anh Chu lo lắng nói: “Mới đây, con gái tôi gọi điện thoại về nói là đang làm tại một xưởng may không biết ở đâu. Công việc vất vả từ sáng sớm đến đêm mới nghỉ mà cũng không được ra ngoài”.

Sùng A Sính (thứ hai từ trái sang) và Thào Văn Dơ (thứ hai từ phải sang) vừa trở về với gia đình  sau những ngày lao động vất vả ở TP. Hồ Chí Minh.
Sùng A Sính (thứ hai từ trái sang) và Thào Văn Dơ (thứ hai từ phải sang) vừa trở về với gia đình sau những ngày lao động vất vả ở TP. Hồ Chí Minh.

Vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh sau những ngày lang thang xin ăn nơi đất khách, hai em nhỏ người dân tộc Mông là Sùng A Sính và Thào Văn Dơ (cùng sinh năm 2007) ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Sùng A Sính kể lại: Khoảng tháng 2-2018, có một người đàn ông lạ mặt đến nhà thuyết phục bố mẹ và ký hợp đồng cho hai em xuống TP. Hồ Chí Minh học nghề may, lại vừa có lương ổn đình 5 triệu đồng/tháng. Đến ngày 23-3, hai em được đưa xuống TP. Hồ Chí Minh để giúp việc khuân vác vải trong một xưởng may từ 7 giờ sáng đến 23 giờ. Do công việc nặng nhọc, hay bị chủ đánh đập nên hai em đã rủ nhau bỏ trốn, lưu lạc xin ăn nhiều ngày ngoài đường.

 

“Toàn tỉnh hiện có 144 trẻ em trong độ tuổi 13 đến dưới 18 bị dụ dỗ đi lao động trái phép tại các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, giảm 61 em so với năm 2017. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay lại phát sinh thêm khoảng 20 trường hợp trẻ em ở các huyện Ea H’leo, Cư Kuin, Krông Ana, Ea Kar, Krông Năng bị dụ dỗ đi lao động trái phép ở tỉnh ngoài”.

 

 
Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Sáng 1-4-2018, cán bộ dân phòng xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) thấy hai em đi lang thang trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, áo quần rách rưới đã đưa về trụ sở UBND xã chăm sóc. Thông tin về Sính và Dơ được đưa lên mạng xã hội, ngay sau đó UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã xác nhận và nhanh chóng cử cán bộ xã cùng gia đình hai cháu vào TP. Hồ Chí Minh nhận đưa hai cháu về. Hiện nay, Sùng A Sính đã được Trường Tiểu học Cư Pui 2 tạo điều kiện trở lại học tập. Còn Thào Văn Dơ lâu nay không đi học nên UBND xã bàn giao cho gia đình để quản lý, chăm sóc.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, trên địa bàn xã hiện có 11 trẻ em là học sinh THCS và tiểu học bị người lạ, hoặc bạn bè, người thân dụ dỗ bỏ học đi lao động ở các tỉnh phía Nam. Hầu hết các em đều là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm tại địa phương, nhà đông con và trình độ dân trí thấp nên khi có người đến dụ dỗ đi lao động với tiền lương cao, cuộc sống sung túc hơn thì rất dễ được phụ huynh chấp thuận. Thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp các thôn, buôn, trường học trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhằm ngăn chặn việc trẻ em đi lao động trái phép ở tỉnh ngoài, song đến nay tình trạng này vẫn chưa dứt điểm.

Theo ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thực trạng trẻ em trong tỉnh bị dụ dỗ, lôi kéo đi lao động trái phép ở tỉnh ngoài diễn ra từ nhiều năm nay. Trước thực trạng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện rà soát, nắm bắt cụ thể công việc, địa chỉ và các vấn đề khác có liên quan đến những trường hợp trẻ em đi lao động ngoài tỉnh để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời khi cần thiết; tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trong việc cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ trẻ em đi lao động ngoài tỉnh.

Đông con, ít được sự chăm sóc của cha mẹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ em bỏ học đi làm sớm. (Ảnh chụp tại thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).
Đông con, ít được sự chăm sóc của cha mẹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ em bỏ học đi làm sớm. (Ảnh chụp tại thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Bên cạnh đó, Sở cũng đã trực tiếp làm việc với ngành chức năng ở các tỉnh có trẻ em Đắk Lắk đến làm việc để nắm bắt tình hình ăn ở, việc làm, động viên các em; phối hợp xử lý những cơ sở sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp; yêu cầu chủ sử dụng lao động phải tạo điều kiện tốt nhất để các em làm việc hoặc trở về với gia đình, trường học.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.