Multimedia Đọc Báo in

Gian nan xử lý những lò than "ăn" rừng

08:17, 30/05/2018

Vài năm trở lại đây, ở một số khu vực rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) người dân lén lút xây dựng lò đốt than trái phép gây áp lực cho công tác bảo vệ rừng nơi đây.

Từ trụ sở của Công ty vượt khoảng 10 km đường lòng vòng trong những nương rẫy của người dân, chúng tôi tiếp cận được 3 lò than “thổ phỉ” nằm khuất trong rẫy điều. Trong đó có 2 lò đã bị đập bỏ, 1 lò còn nguyên, xung quanh vẫn còn sót lại một số khúc củi rừng chưa sử dụng. Anh Nguyễn Văn Cộng, Trưởng Phòng Kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng của Công ty cho biết, 3 lò than này đầu năm 2018 đã bị Đoàn liên ngành của huyện tổ chức phá bỏ, nhưng nay một trong số đó đã được người dân lén lút sửa chữa, xây lại. Lò than này được xây bằng gạch, đường kính khoảng 4 m, cao khoảng 2 m, nằm cách rừng của Công ty khoảng 1 km. Để có nguyên liệu đốt than, người dân lén lút vào rừng khai thác củi. Họ khai thác tất cả các loại cây, không phân biệt lớn nhỏ, cong thẳng. Những cánh rừng khộp cây cối thưa, trữ lượng gỗ thấp, trong khi mỗi lò than có thể chất mỗi lần ít nhất khoảng 4 m3 củi và mất chỉ khoảng 1 tháng để hầm củi thành than, do đó nếu không kịp thời dẹp bỏ các lò than này rừng sẽ bị suy giảm rất nhanh.

Một xe chở củi rừng bị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả bắt giữ.
Một xe chở củi rừng bị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả bắt giữ.

Ở khu vực này, ngoài lò than xây bằng gạch, còn có một loại lò than được đắp bằng đất (gồm 9 lò, trong đó có một số lò đã bị đập, số khác vẫn còn nguyên). Để đốt than bằng loại lò này, người dân đào một cái hố lớn, sau đó chất củi vào trong, dùng đất ẩm đắp kín rồi đốt. Do đơn giản, ít tốn kém mà công suất chẳng thua kém gì lò đốt than xây bằng gạch nên lò than loại lò này được những người đốt than ưu tiên lựa chọn, đặc biệt là ở trong những cánh rừng sâu. Chính vì vậy, việc dẹp bỏ lò than luôn được Công ty đặt lên hàng đầu. Mỗi khi tuần tra bảo vệ rừng, nếu phát hiện có lò than trái phép nhỏ lẻ nhân viên của Công ty lập tức sẽ xử lý ngay. Đối với những trường hợp số lượng lò than nhiều, tình hình phức tạp, đơn vị thống kê báo cáo với địa phương để phối hợp lực lượng cùng tiến hành giải tỏa. Tính từ năm 2016 đến nay, Công ty đã phối hợp với các lực lượng chức năng phá bỏ 265 lò than trái phép trong lâm phần của Công ty quản lý, bảo vệ. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên lâm phần của Công ty, lực lượng chức năng đã tổ chức 3 đợt giải tỏa, phá bỏ 48 lò than. Ngoài xử lý những lò than trái phép ở một số khu vực rừng thuộc lâm phần Công ty, đơn vị này còn phối hợp với địa phương và những chủ rừng xung quanh để phá bỏ những lò than trái phép.

Một lò than “thổ phỉ” xây bằng gạch ở xã Ea H’leo bị lực lượng chức năng huyện Ea H’leo phá bỏ.
Một lò than “thổ phỉ” xây bằng gạch ở xã Ea H’leo bị lực lượng chức năng huyện Ea H’leo phá bỏ.

“Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 14.379,6 ha rừng và đất rừng nhưng chỉ có 11 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng, bình quân mỗi nhân viên phải phụ trách hơn 1.000 ha rừng. Do rừng của đơn vị giáp ranh với các khu vực dân cư nên người dân vẫn thường lén lút khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, nay thêm vấn nạn lò than nên áp lực càng đè nặng lên công tác bảo vệ rừng. Tuy vậy, đơn vị vẫn nỗ lực dẹp bỏ, bên cạnh các biện pháp cưỡng chế, phá bỏ, Công ty tập trung lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng đưa củi, gỗ ra khỏi rừng khiến các lò than thiếu nguyên liệu nên số lượng lò than trái phép đã giảm dần”, ông An Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả cho hay.

Không riêng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả, ở một số diện tích rừng do chủ rừng quản lý trên địa bàn xã Ea H’leo cũng xuất hiện tình trạng lò than trái phép. Ông Trương Văn Hồng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng quyết liệt xử lý lò than trái phép. Khi các chủ rừng, địa phương có yêu cầu, Hạt Kiểm lâm cử lực lượng phối hợp cùng nhau xử lý. “Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Ea H’leo chủ rừng và các lực lượng chức năng đã phá bỏ được 399 lò than trái phép. Nếu không xử lý kịp thời, thì những lò than này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho an ninh rừng”, ông Hồng cho biết thêm.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.