Multimedia Đọc Báo in

Hãy nhường đường cho xe cứu thương!

07:53, 10/05/2018

Nhường đường cho xe cứu thương là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều người tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm trước nhiệm vụ cần kíp của những chiếc xe được quyền ưu tiên này…

Gần đây, mạng xã hội lan truyền clip với tình huống giả định có tên “Hãy nhường đường cho xe cứu thương trong mọi hoàn cảnh” nhằm nhắn nhủ cộng đồng hãy nâng cao ý thức hơn nữa trong việc nhường đường cho xe cứu thương, góp phần bảo vệ tính mạng cho người bệnh. Mở đầu clip là tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi reo, tiếng khóc của người thân, tiếng máy sốc tim và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ nhằm giành lại sự sống cho người bệnh. Tuy nhiên, giữa nhịp sống đô thị xô bồ, đông đúc, nhiều người có ý thức nhường đường cho xe ưu tiên, nhưng cũng không ít người vô tư chen lấn, thậm chí gây hấn giữa đường khiến giao thông thêm ách tắc. Họ mặc kệ tất cả, dù sự sống của người bệnh trên chiếc xe màu trắng đang được tính từng giây, từng phút…

Ô tô, xe máy không nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh: Internet
Ô tô, xe máy không nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh: Internet

Hình ảnh chiếc xe cứu thương nhọc nhằn dịch chuyển trong clip khiến  tôi liên tưởng đến một trường hợp tương tự xảy ra cách đây không lâu mà chính bản thân được chứng kiến trong một chuyến công tác. Cuối tháng 3-2018, xảy ra một vụ cháy lớn tại quán Karaoke Kingdom (TP. Hà Tĩnh), cột khói đen bốc cao hàng chục mét. Phía trong quán vẫn còn nhiều người mắc kẹt và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trước sự việc cấp bách, lực lượng cảnh sát giao thông cố gắng điều tiết giao thông để xe Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, xe cứu thương tiếp cận hiện trường sớm nhất có thể. Trong dòng người đông đúc, hầu hết tài xế áp sát mé đường để nhường cho các phương tiện ưu tiên vượt lên phía trước. Duy nhất tại một cột đèn tín hiệu (khi đèn đang báo màu đỏ), có một phụ nữ vẫn cố vượt qua vạch trắng, dừng xe ngay giữa lòng đường, mặc cho còi xe cứu thương réo inh ỏi. Mãi đến lúc tài xế xe cứu thương phải xuống nhắc nhở, thì người phụ nữ mới chịu nép xe vào bên đường…

Trường hợp trên rất tiếc không phải là cá biệt, thực tế không ít người điều khiển phương tiện vẫn “giành” đường với xe cứu thương. Dễ nhận thấy nhất là giờ tan tầm, mặc xe cứu thương phải nhích chuyển từng chút, nỗ lực cùng người nhà kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, nhưng một số người tham gia giao thông vẫn tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm, thậm chí còn “đua”, cố vượt xe cứu thương!

Điều 22, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: xe cứu thương, xe chữa cháy đang làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Ngoài ra, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ, phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ…

Quy định là thế, nhưng rất nhiều trường hợp còi xe ưu tiên cứ hú, còn người điều khiển phương tiện cứ việc đi. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm minh hơn; còn với người dân, hơn hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, hãy nhường đường cho xe cứu thương và không nên thể hiện thái độ vô cảm trước tính mạng người bệnh!

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.