Multimedia Đọc Báo in

Đừng thờ ơ việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ

08:28, 16/09/2018

Đội mũ bảo hiểm từ lâu đã trở thành việc cần thiết, bắt buộc đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn rất thờ ơ với việc đội mũ bảo hiểm cho con trẻ.

Trong một lần bạn tôi chở cháu về thăm nhà ngoại (cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 35 km), cậu bé 9 tuổi nhanh chóng trèo lên xe mô tô rồi hối thúc đi. Nghe hỏi vì sao không đội mũ bảo hiểm, cháu nhanh nhảu trả lời: “Hằng ngày mẹ chở cháu đi học, có lúc nào phải đội mũ bảo hiểm đâu”.  Mẹ cháu thì tặc lưỡi cho rằng do trường học gần nhà, với lại cháu còn nhỏ nên không đội mũ cũng bình thường ấy mà…

Thực tế, có không ít bậc cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm đối với con trẻ. Không khó để nhìn thấy hình ảnh phụ huynh, người lớn chở con trẻ trên các đường phố, đón con ở khu trường học lúc tan tầm… mà không có mũ bảo hiểm. Hoặc dẫu có đội thì cũng chỉ đối phó, không cài dây mũ, hay cài dây không đúng cách. Thậm chí, vì lý do đang rất vội, nhiều người sẵn sàngvượt đèn đỏ, lạng lách, mà không biết rằng bản thân đang vô tình tạo hình ảnh xấu trong mắt con trẻ khi tham gia giao thông.

CSGT (Công an TP. Buôn Ma Thuột) nhắc nhở phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con. Ảnh: Hoàng Tuyết
CSGT (Công an TP. Buôn Ma Thuột) nhắc nhở phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con. Ảnh: Hoàng Tuyết

Theo báo cáo (cuối tháng 12-2017) của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam thì tỷ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đến nay đã đạt được hơn 90%. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội mũ bảo hiểm hiện nay còn thấp, chỉ đạt ở mức 35 - 40%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông…

 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 19-1-2018 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Trong đó, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện bắt buộc quy định đội mũ bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh từ 6 tuổi trở lên được người lớn chở bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; giáo dục học sinh, sinh viên đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trở thành thói quen; phối hợp với Bộ Công an có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với lứa tuổi học sinh khi vi phạm…

Thực tế nhiều năm qua, quy định về việc đội mũ bảo hiểm tạo nên một thói quen rất tốt, trở thành việc không thể thiếu đối với người tham gia giao thông. Có không ít trường hợp nhờ “bùa hộ mệnh” này mà may mắn thoát được bàn tay tử thần khi không may bị tai nạn giao thông. Cụ thể, sau 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm, cả nước đã giảm được trên 15.300 người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Cũng chính do nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm nên khi thấy ai chạy xe mô tô trên đường mà để “đầu trần” sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, không đồng tình.

Vì vậy, khi tham gia giao thông, việc phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con không chỉ bảo đảm an toàn, mà còn khích lệ trẻ tuân thủ các quy định của pháp luật, không nên vì bất cứ lý do gì để “thờ ơ” với mũ bảo hiểm, bởi tính mạng con người là trên hết.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.