Multimedia Đọc Báo in

Đau lòng vì tai nạn pháo nổ ngày Tết

12:14, 13/02/2019

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, phòng ngừa, nhưng những tai nạn do pháo nổ năm nào cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh vào dịp Tết, để lại nhiều tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều trường hợp thanh thiếu niên phải nhập viện vì tai nạn pháo nổ. Sau 2 ngày điều trị tại khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, em H.Đ.H. (học sinh lớp 10, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) được chuyển sang khoa Chấn thương chỉnh hình để tiếp tục điều trị vết thương bỏng do hỏa khí trên toàn mặt. H. kể lại, vào đêm giao thừa, em cùng bạn mang 5 quả pháo hoa ra sân đốt. Thấy dây cháy chậm đã hết mà pháo chưa nổ, em cúi xuống xem thì pháo nổ, phụt sức nóng lên mặt. Nghe tiếng kêu la, người nhà lập tức đưa em đi cấp cứu. Em bị bỏng kết giác mạc độ II, may mắn còn cứu được đôi mắt, nhưng khuôn mặt bị bỏng nặng, sưng phù. Cha mẹ H. phải thay phiên vào viện chăm sóc em và trông nom 2 em nhỏ ở nhà. Cái Tết bỗng chốc hóa dở dang.

Phương tiện vận chuyển pháo nổ và hàng lậu bị Công an huyện Krông Búk bắt giữ.
Phương tiện vận chuyển pháo nổ và hàng lậu bị Công an huyện Krông Búk bắt giữ.

Còn em B.D.T. (học sinh lớp 12, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) nhập viện với nhiều vết thương trên bàn tay phải, mặt và đùi. Bên giường bệnh của con, cha T. tâm sự, hoàn cảnh gia đình hiện hết sức éo le. Trước Tết Nguyên đán, mẹ của T. mới vừa xuất viện vì phải phẫu thuật, sức khỏe chưa kịp hồi phục. Sau khi ăn bữa cơm chiều 30 Tết cùng gia đình, anh cho phép con đi chơi cùng bạn. Chưa kịp đón thời khắc giao thừa, anh đã nhận tin con bị tai nạn do pháo nổ. Điều lo lắng nhất là vết thương ở bàn tay phải của T. khá nặng, có khả năng ảnh hưởng đến việc học tập sau này.

Cũng một tai nạn đau lòng khác do pháo nổ là em H.X.H. (25 tuổi, trú tại huyện Krông Búk). Đêm 28 tháng Chạp, em mày mò chế tạo pháo theo hướng dẫn trên mạng thì bị tai nạn làm bỏng nặng toàn bộ vùng đầu, mặt, 2 tay và bàn chân phải. Khi hay tin con gặp nạn, mẹ H. hoàn toàn ngỡ ngàng vì em giấu mẹ làm pháo ở nơi khác. Chăm con trong bệnh viện, mẹ em không thôi day dứt, nếu chị biết sớm sự việc và ngăn cản kịp thời thì có lẽ tai nạn đau lòng đã không xảy ra. Gia đình H. chưa kịp đón cái Tết đoàn viên thì chị phải túc trực trong bệnh viện để chăm sóc H.

Trên thực tế, mặc dù từ trước Tết, các lực lượng chức năng của tỉnh đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ nhưng tình trạng đốt pháo vẫn không giảm. Theo thống kê, chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (từ ngày 2-2 đến ngày 8-2, tức 28 tháp Chạp đến mùng 4 Tết), các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện, điều tra 4 vụ, 6 đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo và xử lý 126 trường hợp đốt pháo trái phép. Qua đó, đã thu giữ 34,5 kg pháo, 224 quả pháo và 45 ống thép dùng để bắn pháo. Đồng thời, xác minh, làm rõ 75 đối tượng liên quan đến hoạt động mua, bán hóa chất tiền thuốc nổ qua mạng Internet nhằm mục đích chế tạo pháo nổ và sử dụng cho nông nghiệp, thu giữ hơn 38 kg hóa chất; bắt 1 vụ, tạm giữ hình sự 1 đối tượng đốt pháo trái phép và chống người thi hành công vụ…

Công an TP. Buôn Ma Thuột  phát hiện, bắt giữ một vụ pháo nổ.
Công an TP. Buôn Ma Thuột phát hiện, bắt giữ một vụ pháo nổ.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Y tế, từ ngày 2-2 đến ngày 10-2, các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị 10 bệnh nhân bị thương tích do tai nạn liên quan đến pháo nổ. Con số này đã tăng đến 9 bệnh nhân so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, gióng hồi chuông báo động về tình trạng sử dụng chất nổ, pháo nổ trái phép trong nhân dân và mức độ nguy hiểm của các hành vi sử dụng pháo nổ trái quy định của pháp luật đang ngày càng tăng. Đáng nói hơn, hầu hết nạn nhân của các vụ tai nạn pháo nổ đều nằm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, trong đó có trường hợp nạn nhân chỉ mới 12 tuổi. Điều này cho thấy sự quan tâm, giáo dục từ gia đình và nhà trường về phòng chống tác hại pháo nổ vẫn chưa được lưu tâm đúng mức. Trong khi đó, hậu quả do tai nạn pháo nổ thường rất nặng nề với nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng và thương tật suốt đời như mù mắt, cụt chi, sẹo bỏng sâu không thể chữa lành. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của pháo nổ để chủ động phòng tránh và giáo dục con em mình. Có như vậy thì những câu chuyện tai nạn đau lòng ngày Tết do pháo nổ mới bớt nhức nhối…

Duy Khôi - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.