Multimedia Đọc Báo in

Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ trước nạn "tín dụng đen"

09:09, 21/04/2019
Trước tình trạng hoạt động “tín dụng đen” ngày càng phức tạp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phát động, triển khai các hoạt động thiết thực nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ nữ để họ không rơi vào vòng xoáy của vấn nạn này. 
 
Ngay từ đầu năm 2019, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phát động đợt vận động “Phụ nữ Đắk Lắk nói không với tín dụng đen”. Theo đó, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong hội viên, phụ nữ về phương thức hoạt động, hậu quả của “tín dụng đen”; vận động hội viên, phụ nữ thực hiện “3 không” (không cho vay nặng lãi, không vay tiền của các tổ chức, cá nhân chưa được Nhà nước cấp phép, không thực hiện các hành vi quảng bá, giới thiệu, phát, dán tờ rơi về các hoạt động cho vay lãi suất cao); vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho hội viên, người dân nhận diện “tín dụng đen”, những phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen” tại 42 thôn, buôn, tổ dân phố.
 
Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số học nghề dệt thổ cẩm tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao,TP. Buôn Ma Thuột).
Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số học nghề dệt thổ cẩm tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao,TP. Buôn Ma Thuột).
Hội LHPN các xã, phường cũng lồng ghép truyền thông về “tín dụng đen” trong các buổi sinh hoạt thường kỳ; tổ chức 15 buổi ra quân bóc gỡ quảng cáo, rao vặt về “tín dụng đen” tại các trụ điện, khu vực công cộng và phát động mỗi hội viên chủ động xóa các quảng cáo, rao vặt về “tín dụng đen” trước khu vực nhà mình.
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột Lê Thị Thanh, ngoài các hoạt động trên, Thành Hội đã tổ chức Diễn đàn “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Tại diễn đàn, các đại biểu, ngành chức năng và hội viên phụ nữ cùng chia sẻ, trao đổi về việc tiếp cận các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của ngân hàng; định hướng cho hội viên phụ nữ phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực trạng và các giải pháp đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”.
“Để thực hiện hiệu quả đợt vận động “Phụ nữ Đắk Lắk nói không với tín dụng đen”, thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ 3 an toàn”, trong đó có tiêu chí 100% hội viên phụ nữ trong chi hội không tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, tiến tới xây dựng mô hình điểm với quy mô cấp tỉnh tại Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột” - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong.

Hội LHPN các huyện, thị xã, Hội Phụ nữ Công an tỉnh, 168/184 đơn vị cấp xã, các chi hội trực thuộc cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức phát động quần chúng, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm... về các vụ việc cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, lừa đảo vay tiền với lãi suất cao cho gần 23.600 phụ nữ; phát hành 15.000 tờ rơi thông tin tuyên truyền “Phụ nữ Đắk Lắk nói không với tín dụng đen”.

Song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em thì một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực đã được các cấp hội triển khai là hỗ trợ hội viên tiếp cận với các nguồn tài chính an toàn, chính thống.
 
Từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội đã huy động, hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 345 hội viên với số tiền trên 3,3 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 52.207 lượt hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.451 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng SeABank cho 4.280 phụ nữ vay vốn với số tiền 114 tỷ đồng; thực hành tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, các cấp hội chủ động phối hợp tổ chức 24 lớp tập huấn, 22 buổi hội thảo, tham quan mô hình giúp phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở 5 lớp đào tạo nghề cho 183 hội viên, giới thiệu việc làm cho 31 chị.
 
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong, những hoạt động thiết thực của các cấp hội đã giúp hội viên, phụ nữ nâng cao hiểu biết, cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”, tập trung phát triển kinh tế gia đình và sẵn sàng sẻ chia nguồn lực giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
 
Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.