Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong công tác hòa giải ở cơ sở

09:15, 28/06/2020

Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cơ sở, dựa trên việc thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, giúp giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.

Hiện nay, hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.501 tổ hòa giải với 15.024 hòa giải viên, 100% thôn, buôn, tổ dân phố đều có tổ hòa giải; tỷ lệ hòa giải thành công ở nhiều đơn vị đạt trên 80%. Chất lượng đội ngũ hòa giải viên từng bước được nâng cao, hiện nay có 375 hòa giải viên đã qua đào tạo chuyên môn luật, 8.371 hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở nơi đó, công tác này đạt hiệu quả cao, tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên.

Tổ hòa giải thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) tham gia hòa giải một vụ việc tranh chấp đất trên địa bàn.  Ảnh: Lê Thành
Tổ hòa giải thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) tham gia hòa giải một vụ việc tranh chấp đất trên địa bàn. Ảnh: Lê Thành

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở còn không ít khó khăn. Cụ thể, hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc các bên có tranh chấp, mâu thuẫn phải thực hiện hòa giải ở cơ sở. Chính vì vậy, trên thực tế tuy có nhiều vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở nhưng các bên có mâu thuẫn, tranh chấp không muốn và không đề nghị tổ chức hòa giải ở cơ sở. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; việc xác định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với hoạt động hòa giải chưa thật rõ ràng, dẫn đến hoạt động này trên thực tế vẫn còn hình thức, chưa thật sự hiệu quả.

Một bất cập nữa là đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng, cũng như các hòa giải viên ở cơ sở tuy đông về số lượng song tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ; chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên chưa chủ động đầu tư, nghiên cứu về pháp luật và kỹ năng hòa giải, còn thụ động "trông chờ" vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, kinh phí ít nên phải ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách khác, dẫn đến việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở không đảm bảo hoặc không được bố trí kinh phí; tuy vậy, hiện nay vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để huy động được các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ kinh phí cho công tác này.

Công tác hòa giải nói chung hiện nay được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau (Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở…), do đó, thực tế vẫn có sự chồng chéo nhất định giữa hoạt động hòa giải ở cơ sở và các hoạt động hòa giải khác (như hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai do UBND cấp xã tổ chức thực hiện).

Thiết nghĩ, để công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hơn nữa hiệu quả, cần giải quyết được những khó khăn, bất cập đã nêu trên. Các cơ quan chức năng cần mạnh dạn nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để công tác hòa giải ở cơ sở đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Diễm Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.