Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong quản lý người lái và phương tiện thủy nội địa

11:33, 08/10/2020

Dù phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái không qua đào tạo chuyên môn, nhưng nhiều phương tiện thủy nội địa vẫn hoạt động trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh. Thực trạng này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây khó khăn trong công tác xử lý, quản lý.

Đắk Lắk có hơn 500 km đường sông, trong đó ba tuyến sông chính có hoạt động giao thông đường thủy gồm sông Krông Ana, Krông Nô và Sêrêpốk. Đặc thù sông quy mô nhỏ, nơi rộng nhất khoảng 50 m, nơi hẹp nhất 6 - 8 m, độ sâu mực nước các sông không đồng đều. Do địa hình dốc, nhiều ghềnh đá nên hoạt động giao thông đường thủy nội địa chủ yếu phục vụ nhu cầu theo mùa vụ của người dân như chở nông sản, chở cát, chở người qua sông.

Lực lượng CSGT huyện Lắk kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn trên thuyền chở khách du lịch tại hồ Lắk.
Lực lượng CSGT huyện Lắk kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn trên thuyền chở khách du lịch tại hồ Lắk.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 phương tiện thủy, trong đó khoảng 130 chiếc có gắn động cơ buộc phải đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, trong số 102 tàu khai thác, vận chuyển cát thì có khoảng 90 tàu đã đăng ký, đăng kiểm trước đó, hiện đa số đã hết hiệu lực của giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện đăng kiểm lại; 7 phương tiện chở khách ngang sông vẫn còn 3 phương tiện chưa thực hiện đăng kiểm); 9 phương tiện chở khách du lịch tập trung ở hồ Lắk phần lớn chưa hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm… Chưa kể, có hàng trăm phương tiện nhỏ, thô sơ thuộc diện phải đăng ký với cơ quan chức năng để quản lý nhưng số lượng đăng ký rất ít ỏi. Theo đánh giá của Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đóng tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) người dân vẫn chưa tự giác thực hiện quy định bắt buộc đăng ký còn cơ quan chức năng thì vẫn bỏ ngỏ, buông lỏng trong công tác quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần lớn là các phương tiện thủy do người dân và doanh nghiệp tự đóng nên không đáp ứng các quy định về an toàn kỹ thuật, thông số theo quy định nên khi đi đăng kiểm đều không đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm đăng kiểm thủy nội địa nên mỗi lần đăng kiểm, chủ thuyền phải mời cán bộ Chi cục Đăng kiểm số 5 về nên hầu như người dân không mặn mà thực hiện công việc này.

Đò chở khách tại bến M'liêng (huyện Lắk).
Đò chở khách tại bến M'liêng (huyện Lắk).

Một bất cập nữa, trên địa bàn tỉnh hiện nay không tổ chức đào tạo, thi cấp các loại bằng, giấy chứng nhận cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Do đó, nếu có nhu cầu thì người điều khiển phương tiện phải tự liên hệ với các trường ngoài tỉnh để học và thi lấy chứng chỉ chuyên môn. Với tâm lý ngại đi lại, cộng thêm chi phí phát sinh nhiều khi di chuyển như tiền tàu, xe, ăn, ở, học phí… nên phần lớn lái thuyền trên địa bàn tỉnh không tham gia học và thi. Điều này dẫn đến thực trạng chung là phần lớn người lái thuyền trên địa bàn tỉnh không có hoặc có chứng chỉ chuyên môn nhưng hết thời hạn. Anh Nguyễn Đức Thuận, lái đò tại bến buôn M’liêng (huyện Lắk) thẳng thắn chia sẻ, anh đã lái đò lâu năm trên địa bàn huyện Lắk, song ngoài kinh nghiệm thì bản thân anh chưa có bất cứ chứng chỉ hay học qua lớp đào tạo nào. Nhiều năm qua anh đã chèo lái không biết bao nhiêu chuyến đò qua sông, với hàng nghìn lượt người. Do phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm nên anh không biết được sức chở của thuyền bao nhiêu người. Đến nay, bến đò vẫn bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại, song anh mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình đăng ký, đăng kiểm phương tiện để hoạt động đúng quy định. Đồng thời mở thêm lớp đào tạo thuyền viên tại tỉnh để anh được trang bị kiến thức chuyên môn lái thuyền chở khách an toàn.

Trên thực tế, năm 2010 Trường Trung cấp nghề Bình Minh (TP. Buôn Ma Thuột) đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Nha Trang tổ chức đào tạo và cấp được 187 giấy chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2015, trường này mới phối hợp với Trung tâm Dạy nghề đường thủy Mê Kông (tỉnh Long An) mở thêm 1 lớp và cấp được 60 bằng thuyền trưởng hạng 4. Từ 2015 đến nay thì trên địa bàn tỉnh không mở thêm được lớp đào tạo nào.

Những bất cập trên là nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chẳng hạn, hiện nay tỉnh chưa có tuyến sông nào được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xây dựng, tổ chức, công bố tuyến giao thông đường thủy nội địa nên kéo theo không thực hiện được việc xử lý các lỗi theo quy định trong Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, ngày 25-12-2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Cụ thể, vi phạm về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu giao thông đường thủy; vi phạm quy tắc giao thông, quy định về tín hiệu của phương tiện; vi phạm khai thác bến thủy. Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy mới dừng ở việc xử phạt các lỗi như không có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không trang bị dụng cụ chữa cháy, phao cứu sinh; người lái thuyền không có chứng chỉ, bằng chuyên môn theo quy định…

Tại Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý phương tiện thủy nội địa tại Đắk Lắk vào trung tuần tháng 7-2020, Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện phát triển quy hoạch thủy nội địa, xem xét cho tỉnh xây dựng nhà máy đóng tàu, trung tâm đăng kiểm và bố trí biên chế để thực hiện công tác quản lý đường thủy nội địa theo quy định.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc