Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nhiều bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy

08:30, 06/11/2020

Việc đảm bảo điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) ở huyện Cư M’gar đang tồn tại nhiều bất cập.

Từ nhiều năm nay, tại xã Ea Kpam, khi bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nhiều khu dân cư đã cho dựng thêm 2 trụ bê tông nhằm ngăn chặn các phương tiện có tải trọng lớn đi vào gây hư hỏng đường. Gần như 100% các tuyến đường chính ở các thôn, buôn đều được người dân lắp đặt thêm các trụ bê tông hai bên, khiến tuyến đường hẹp lại. Mặc dù việc này có thể góp phần làm giảm nguy cơ hư hỏng đường giao thông song lại là trở ngại lớn cho công tác PCCC trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Ông Trần Anh Thái, Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết: “Có nhiều hộ dân cho rằng các trụ bê tông bất tiện, đề nghị tháo dỡ nhưng cũng có nhiều người không đồng ý. Kinh phí do người dân bỏ ra, do đó phải có sự đồng lòng thì mới tháo dỡ được. Trên thực tế, nhiều xe chở vật liệu vào cho các hộ dân đã phải đập các trụ bê tông để đi vào, làm xong thì xây lại. Tuy nhiên, đối với những trụ được xây đơn giản còn dễ đập chứ các trụ đổ bê tông, cốt thép kiên cố thì việc đập bỏ rất mất thời gian”.

 

Trụ bê tông ngăn xe trọng tải lớn vào tuyến đường thôn 8, xã Ea Kpam nhưng rất bất cập đối với công tác  phòng cháy chữa cháy. Ảnh: T.Dũng 
Trụ bê tông ngăn xe trọng tải lớn vào tuyến đường thôn 8, xã Ea Kpam nhưng rất bất cập đối với công tác phòng cháy chữa cháy.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở xã Ea Kpam mà xuất hiện tại nhiều xã, thị trấn ở huyện Cư M’gar, nhất là ở những địa phương nông thôn mới như: xã Ea H’đing, Cư Suê, Ea Drơng… Có thể thấy, các trụ bê tông có khả năng hạn chế được xe trọng tải lớn nhưng cũng gây ra nhiều bất cập. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông mà còn trở thành vật cản đối với xe PCCC, gây khó khăn cho công tác cứu hỏa... Theo Thiếu tá Trương Thanh Nghị, Đội trưởng Đội cảnh sát PCCC – CNCH (Công an huyện Cư M’gar), với tuyến đường có những trụ bê tông thì lực lượng cảnh sát PCCC khó triển khai chữa cháy kịp thời được. Lửa lan nhanh mà đập bỏ xong các trụ bê tông để xe cứu hỏa đi vào thì lửa cũng đã lan rộng, dập được lửa thì thiệt hại đã rất lớn.

Huyện Cư M'gar không có bến bãi, bể lấy nước phục vụ chữa cháy mà tận dụng từ nguồn nước tự nhiên; trong khi các công trình thủy lợi trên đều nằm cách xa trung tâm huyện, các khu dân cư, nhiều ao, hồ thường cạn vào mùa khô.

Bên cạnh đó, giao thông phục vụ chữa cháy tại các chợ trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng chưa được bảo đảm. Hiện nay, tại các chợ trên địa bàn, lối đi trong chợ đều bị tiểu thương lấn chiếm để trưng bày hàng hóa, dùng bạt, tôn, dù che chắn, gây cản trở lối đi, là tình trạng rất nguy hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra bởi xe chữa cháy sẽ rất khó tiếp cận để dập lửa... Thiếu tá Trương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Theo quy chuẩn, lối đi giữa các gian hàng trong chợ là 1,5 m, còn lối đi phục vụ giao thông xung quanh chợ là 4m. Tuy nhiên, tại 7 chợ trên địa bàn huyện thì hiện không có chợ nào đáp ứng được yêu cầu trên. Đặc biệt là đối với khu vực trong chợ, lối đi rất nhỏ, nhiều chỗ đi bộ còn khó, làm gì có chỗ cho xe đi vào”.

Một trụ nước phục vụ chữa cháy được lắp đặt trên Hùng Vương (thị trấn Quảng Phú). Ảnh T.Dũng
Một trụ nước phục vụ chữa cháy được lắp đặt trên đường Hùng Vương (thị trấn Quảng Phú). 

Một bất cập nữa trong công tác PCCC của huyện Cư M’gar là nguồn nước phục vụ chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức. Theo thống kê, đến nay toàn huyện chỉ mới lắp đặt được 18 trụ nước phục vụ chữa cháy ở thị trấn Quảng Phú và Ea Pốk. Điều đáng nói là số lượng trụ nước có thể sử dụng được rất ít do một số trụ được lắp đặt không đúng quy cách, không bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực nước.

Được biết, thời gian qua Đội cảnh sát PCCC – CNCH (Công an huyện Cư M’gar) đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các trụ cấp nước chữa cháy nhằm kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục, sửa chữa các sự cố. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tháo dỡ các trụ bê tông trên các tuyến đường; rà soát, quy hoạch xây dựng các bến, bãi tại các nguồn nước tự nhiên, bảo đảm cho xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy tiếp cận lấy nước được thuận lợi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay các vấn đề trên vẫn chưa được khắc phục.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.