Multimedia Đọc Báo in

Mối lo từ nạn săn bắt chim yến

08:37, 04/12/2020

Hiện nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng săn bắt chim yến để… phóng sinh hoặc chế biến các món “đặc sản chim yến"… Tình trạng này đang đặt ra vấn đề cần có giải pháp bảo vệ nguồn động vật hoang dã được phép nuôi tại Việt Nam và bảo đảm hoạt động phát triển nuôi chim yến tại địa phương.

Anh Trần Văn Tuyển (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) là một trong những người đầu tiên ở Đắk Lắk phát triển nghề nuôi chim yến. Trước đây anh Tuyển có 4 cơ sở nuôi chim yến (tại huyện Lắk và các địa phương như: Bình Dương, Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh), mỗi năm sản lượng tổ yến tăng ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện tại anh chỉ còn duy trì 3 cơ sở; sản lượng thu hoạch tổ yến tại các cơ sở của anh giảm hẳn: mỗi tháng 3 cơ sở nuôi chim yến chỉ thu bình quân chừng 30 kg tổ yến thô thay vì 45 kg như trước (giảm 30% sản lượng). Nguyên nhân là do lượng chim về tổ để sinh sản ngày càng giảm do bị bẫy bắt.

Chim yến bẫy bắt  được nhốt vào lồng trước khi mang bán.      Ảnh:  Vũ Tiến Đang
Chim yến bẫy bắt được nhốt vào lồng trước khi mang bán. Ảnh: Vũ Tiến Đang

Theo một số hộ nuôi chim yến tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, những năm trước, số lượng chim yến sinh sản tăng theo thời gian, theo đó sản lượng tổ yến tăng dần, thu nhập trong hoạt động nuôi chim yến cũng tăng theo. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng chim yến không tăng, sản lượng tổ yến thô cũng không tăng và có xu hướng giảm. Được biết, những cơ sở nuôi chim yến quanh khu vực xã Hòa Khánh cũng đang giảm dần số lượng chim yến và năng suất tổ yến. Còn tại phường Ea Tam, ba vụ vừa qua số lượng chim yến của một số hộ nuôi không tăng mà còn giảm khoảng 10 - 15%, theo đó năng suất tổ chim yến cũng giảm đến 15%. May mắn, một số cơ sở do đàn chim tìm mồi ở những vùng, những khu vực không bị bẫy bắt nên ít bị ảnh hưởng.

Hầu hết chủ các cơ sở nuôi chim yến đều khẳng định việc giảm số lượng bầy đàn chim yến hiện nay bắt nguồn từ nạn săn bắt chim yến phục vụ nhu cầu phóng sinh và cung cấp cho các nhà hàng chế biến đặc sản chim yến. Anh Vũ Tiến Đang, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Ủy viên Ban vận động yến sào Đắk Lắk và là chủ cơ sở nuôi chim yến tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) khẳng định, có rất nhiều nhóm người chuyên đi bẫy bắt chim yến bằng nhiều phương pháp rất tinh vi, dựa vào đặc điểm sống theo bầy đàn, đặc điểm kiếm ăn và quy luật hoạt động của chim. Chẳng hạn, họ dùng máy phát tiếng kêu dẫn dụ chim yến, kèm theo một con chim yến bị cột vào giữa lưới để làm “mồi”. Bẫy dùng để bắt chim yến được gọi là “bẫy tàng hình”, có độ rộng tùy loại, không màu, sợi rất nhỏ, được giăng ngang giữa hai cọc tre làm trụ khiến chim yến không thể nhận ra. Thời gian các đối tượng bẫy chim từ 5 - 7 giờ lúc đàn chim yến rời nhà đi kiếm mồi và từ 15 - 17 giờ, khi đàn chim yến trở về tổ hằng ngày.

Điều đáng nói là việc bắt chim yến mẹ gây ra hậu quả lớn hơn bởi chim mẹ bị bẫy bắt không về tổ được, chim non trong tổ ở nhà không được mẹ chăm sóc, mớm mồi nên cũng chết theo. Có chủ nuôi chim yến khi vào nhà yến kiểm tra phát hiện hàng trăm chim yến con bị chết đã bốc mùi hôi thối. Thậm chí có hộ còn phát hiện có nhiều tổ trứng không nở được vì không có chim mẹ ấp.

Hàng trăm chim yến non bị chết vì chim mẹ bị bẫy bắt. Ảnh: Vũ Tiến Đang
Hàng trăm chim yến non bị chết vì chim mẹ bị bẫy bắt. Ảnh: Vũ Tiến Đang

Những con chim yến trưởng thành bị bắt thường được nhốt trong lồng mang bán làm vật phóng sinh. Tuy nhiên, nhiều đối tượng bẫy chim không biết được đặc điểm sinh học của chim yến là chúng có bộ móng chân rất phát triển, thường sử dụng đôi chân để đeo bám lên các giá thể như vách đá, bờ tường, giá gỗ… và chim yến chỉ bay trên không trung để bắt mồi, không bao giờ đậu, đỗ trên các cành cây hay dây điện hoặc đứng trong lồng sắt chật hẹp. Vì thế khi bị nhốt, chim yến bị tổn thương rất dễ chết sau đó, cho dù được phóng sinh cũng không sống được.

Lo ngại và bức xúc trước vấn nạn bẫy bắt chim yến tại địa phương, vừa qua các chủ cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đã tự thành lập “Hội giải cứu chim yến” và tự đóng góp xây dựng quỹ giải cứu chim yến để hoạt động. Không chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột, Hội giải cứu chim yến còn tìm đến những nơi có những nhóm người bẫy bắt chim yến tận huyện Krông Ana, Ea Súp, Krông Pắc… phối hợp với chính quyền cơ sở vận động những nhóm người này dừng việc bẫy bắt chim yến. Tuy nhiên việc tuyên truyền, vận động không dễ; nhiều người săn bắt đã có những hành động phản kháng, hung hăng, thách thức những người vận động.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn săn bắt chim yến hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý, ngăn chặn nạn bẫy bắt chim yến; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được bẫy bắt chim yến để phóng sinh hoặc bán cho các nhà hàng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra kịp thời ngăn chặn các hoạt động săn bắt chim yến; ban hành các chế tài xử lý nghiêm nạn săn bắt chim yến theo quy định của pháp luật.

Nghị định 13/2020/NĐ-CP, ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Chăn nuôi, tại điểm e, khoản 2, điều 25 quy định: “Không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học”.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.