Multimedia Đọc Báo in

Gắn bó với sự nghiệp "trồng người"

18:17, 02/12/2017

Gần trọn đời người mải mê “gieo” chữ, các thầy cô giáo - có người đã nghỉ hưu, người vẫn còn công tác – đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện vùng xa M’Đrắk, là những tấm gương mãi tỏa sáng giữa đời thường.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, cô giáo Hoàng Thị Mỳ được phân công công tác tại Trường cấp 1-2 xã Cư Mta (huyện M’Đrắk), sau đó là Trường Bổ túc cán bộ huyện. Từ năm 1983 đến khi nghỉ hưu, cô công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk.

Hơn 35 năm công tác, đặc biệt là trong 11 năm trực tiếp giảng dạy, cô Mỳ luôn truyền đạt  kinh nghiệm, kiến thức của mình cho các em học sinh bằng cả trái tim. Cô hết mực quan tâm yêu thương học trò, luôn kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số hiểu bài và tiếp thu bài một cách nhanh, hiệu quả nhất. Với kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, cô Mỳ được phân công làm nhiều chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn, môn Tiếng Việt, Tập làm văn...

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi bộ môn Văn – Tiếng Việt các cấp, cô còn được Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện và các đồng nghiệp tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn, Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Chi bộ và từ năm 1991 đến 2015 là Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trên cương vị là lãnh đạo, quản lý cô luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, xây dựng tập thể đoàn kết, đề ra những giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý và giảng dạy; xây dựng chuẩn mực đạo đức lối sống, tác phong làm việc. Bản thân cô tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiêu cực trong đơn vị, giữ gìn đạo đức lối sống, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên. Nhiều năm liền, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Đrắk là tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc; Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu. Năm 2012, Trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, cô đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào năm 2014.

Cô giáo Võ Đăng Mỹ Hảo (thứ 2 từ trái sang), Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành  vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Cô giáo Võ Đăng Mỹ Hảo (thứ 2 từ trái sang), Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Cô Võ Đăng Mỹ Hảo về công tác tại Trường Phổ thông cấp 3 M’Đrắk (sau này là Trường THPT Nguyễn Tất Thành) vào năm 1990. Vốn sinh ra và lớn lên ở cố đô Huế, những ngày đầu dạy học ở vùng đất Tây Nguyên xa xôi, hẻo lánh, trang thiết bị dạy học hầu như chưa có gì khiến cô không khỏi nản lòng. Nhưng những ánh mắt ngây thơ, niềm khát khao con chữ của học trò vùng đất cao nguyên đã níu giữ cô vượt qua khó khăn, gắn bó cả đời với sự nghiệp “gieo” chữ ở M’Đrắk.

Gần 30 năm làm nghề giáo, trong đó 15 năm trực tiếp giảng dạy, 11 năm tham gia công tác quản lý, cô Hảo luôn trăn trở với chất lượng đội ngũ giáo viên và đầu vào học sinh. Ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn nên Trường THPT Nguyễn Tất Thành khó thu hút giáo viên khá, giỏi về trường, đa số giáo viên còn trẻ về tay nghề, thiếu kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác còn hạn chế. Trong khi đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường rất thấp với địa bàn tuyển sinh rộng 8 xã và thị trấn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm từ 30 - 40% tổng số học sinh toàn trường, một số em có ý thức và năng lực học tập chưa cao, một số phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập và rèn luyện của con em mình. Trước thực trạng đó, để nâng chất lượng dạy học của trường, cô và Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường đổi mới tổ chức quản lý, góp phần nâng cao chất lượng dạy học như: Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên; quản lý đổi mới phương pháp dạy học, trong đó chú trọng đổi mới hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn; tăng cường cơ sở vật chất – thiết bị dạy học; xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ đội nhóm như Câu lạc bộ Lịch sử, Anh văn, sinh hoạt ngoại khóa…

Nhờ vậy, trong nhiều năm liền, Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, 6 năm liền (2010 – 2016) có học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử và đạt 4 giải (2 giải Nhì, 2 giải Ba). Nhà trường là tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tặng cờ thi đua, bằng khen, giấy khen. Bản thân cô Hiệu trưởng Võ Đăng Mỹ Hảo đã đạt nhiều danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua; là nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc từ 2009 – 2010 đến 2013- 2014.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.