Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo "mát tay" bồi dưỡng học sinh giỏi

09:10, 16/01/2018

Không chỉ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, sáng tạo, cô Nguyễn Thị Thái, giáo viên Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn) còn được biết đến là một người “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp loại ưu khoa Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, cô Thái về công tác tại Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Từ năm 2003, cô được huyện điều động về giảng dạy tại Trường THCS Hồ Tùng Mậu.

Hằng năm, khi được phân công làm chủ nhiệm, cô Thái luôn xung phong nhận những lớp có nhiều học sinh cá biệt, quậy phá… Sau một thời gian dìu dắt, dạy bảo của cô, những học sinh trong lớp do cô chủ nhiệm đều tiến bộ rõ rệt. Trong hơn 10 năm làm công tác chủ nhiệm, lớp của cô Thái luôn dẫn đầu trong các thành tích của nhà trường. Cô Thái bộc bạch: “Tôi luôn xem học sinh như con mình. Chịu khó lắng nghe, tìm hiểu xem các em nghĩ gì rồi tìm cách khuyên bảo, chỉ dạy từng em một cách phù hợp. Ở lớp học, tôi luôn cố gắng tạo cho các em một không khí giống như gia đình mà ở đó là mình không chỉ là cô giáo mà còn là mẹ, là chị, là người bạn của các em. Đối với các em học sinh hư hỏng, thay vì quở trách hay đưa ra các hình phạt thì mình nên khuyên bảo các em một cách từ từ; tìm những ưu điểm của các em để khuyến khích các em tiến bộ”.

Cô Thái  trong giờ  lên lớp.
Cô Thái trong giờ lên lớp.

Với sự năng động, nhiệt tình và nắm chắc chuyên môn, chỉ sau 2 năm đứng lớp, cô Thái đã được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý lớp 9. Đảm nhiệm công việc này, cô đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Cô rất “mát tay” với công việc này bởi trong 14 năm cô bồi dưỡng học sinh giỏi, có đến 42 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 11 em đoạt giải cấp tỉnh và nhiều em đỗ vào trường chuyên. Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Thái chia sẻ: “Trước hết là cho các em đăng ký nguyện vọng môn học mà các em muốn bồi dưỡng, gợi lên cho các em niềm say mê với môn học. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, tôi kiểm tra học lực của học sinh qua các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Vào các buổi chiều các em không đi học chính thức thì tổ chức ôn cho các em. Nội dung ôn theo từng chuyên đề và đi từ dễ đến khó. Trong quá trình bồi dưỡng, phụ đạo cho các em, tôi còn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em; xem các em còn gặp khó khăn hay vướng ở phần nào, kể cả trong học tập cũng như trong cuộc sống để kịp thời tháo gỡ”. Theo các đồng nghiệp của cô Thái cho biết, ngoài việc học ôn ở trường, vào những ngày thứ bảy, chủ nhật hay ban đêm, nhiều em học sinh còn đến tận nhà cô để ôn thi, học nhóm, phụ đạo... hoàn toàn miễn phí. Các em xa nhà hay có cảnh khó khăn cô còn cho ăn ở, ngủ tại nhà mình.

Ngoài thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Thái còn đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi như: giải xuất sắc tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm học 2008 – 2009), giải Nhất cấp tỉnh về hướng dẫn học sinh sáng tạo khoa học kỹ thuật (năm học 2015-2016), giải Nhất cấp huyện tại Hội thi làm đồ dùng dạy học (năm học 2016- 2017)…

Nhận xét về cô Nguyễn Thị Thái, cô Trần Thị Mỹ Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Tùng Mậu đánh giá: “Ở trường, cô Thái đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau như: giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên chủ nhiệm, chủ tịch Công đoàn trường… Nhưng ở cương vị nào, cô vẫn thể hiện được năng lực của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những thành tích trong giáo dục mũi nhọn của nhà trường luôn có sự đóng góp không nhỏ của cô Thái”.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.