Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua khó khăn, bệnh tật đi tìm con chữ

10:53, 02/01/2018

Ước mơ chinh phục con chữ để thay đổi cuộc đời là động lực để học trò ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, bệnh tật để đến trường…

Học để… đổi đời

Là con cả trong gia đình nghèo có 3 chị em ở thôn Ea Bớt, xã Cư Bông, huyện Ea Kar, bản thân lại mắc chứng hạ canxi máu, hay bị đau ốm, nhưng em Nông Thị Hà, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Đăng Lưu vẫn nỗ lực học tập, 8 năm liền đều đạt học lực khá, giỏi. Hà tâm sự, nguồn sống của cả nhà chỉ dựa vào vài sào ngô, sắn trồng trên đất bạc màu nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Bố mẹ Hà phải tất tả ngược xuôi làm thuê đủ nghề để có tiền cho 3 con ăn học. Hằng ngày sau giờ tan trường, Hà lại về nhà lo cơm nước, hướng dẫn bài vở cho các em để bố mẹ yên tâm đi làm. Cứ thế suốt 7 năm đi học, Hà luôn đạt học lực giỏi, đến năm lớp 8 do mắc chứng hạ canxi máu, bị ngất xỉu nhiều lần đã ảnh hưởng đến việc học. Từ học sinh giỏi, xuống học lực khá khiến Hà buồn, tiếc nuối.

Anh Nông Văn Lộc (38 tuổi) - bố em Hà cho hay, vì miếng cơm manh áo nên vợ chồng anh phải để 3 con nhỏ ở nhà tự chăm nhau. Tội nhất là cháu Hà, người ốm yếu, nhưng phải “gánh” trên vai trách nhiệm của cả bố mẹ. Dù vất vả, nhưng cháu không hề than phiền, ngược lại rất siêng năng, hiếu thảo và học giỏi khiến anh rất an tâm, cố gắng làm việc nuôi con ăn học tới nơi tới chốn.

 Nói về mong ước của mình, Hà chia sẻ, mục tiêu hiện giờ của em là cố gắng học thật giỏi, thi đậu vào Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng để bố mẹ đỡ lo lắng về chi phí. Về sau, em muốn học tiếp để tìm được việc làm phù hợp. “Nơi em sống đa số là đồng bào các dân tộc phía Bắc di cư vào nên cuộc sống rất khó khăn. Họ lo kiếm ăn cho cái bụng chứ chưa chú trọng đến cái chữ. Riêng em nghĩ việc học rất quan trọng, nó dạy ta biết cách làm ra nhiều thóc, gạo, đẩy lùi cái nghèo… Em sẽ theo đuổi việc học tới cùng để thay đổi cuộc đời mình”, Hà nói.

Nông Thị Hà quyết tâm học giỏi để thay đổi cuộc đời. Ảnh: Djuang
Nông Thị Hà quyết tâm học giỏi để thay đổi cuộc đời. Ảnh: Djuang

Thầy Dương Đình Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp em Hà nhận xét: Em Hà là tấm gương sáng trong học tập. Dù sức khỏe yếu nhưng em luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, chăm ngoan, nghe lời thầy, cô. Biết gia cảnh em thuộc diện khó khăn, các thầy cô giáo cũng hay động viên, tiếp thêm sức mạnh cho em đến trường.

Học chữ để… nói chuyện

Bị hở hàm ếch bẩm sinh không thể phát âm tròn vành rõ chữ, hai tay cũng bị cong vẹo nhưng em Hoàng Văn Phượng, lớp 9B, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư A Mưng, huyện Ea H’leo) vẫn đều đặn đến trường. Với em, mỗi ngày đến trường được gặp thầy cô, bạn bè là một niềm vui. Nhìn những nét chữ xiêu quẹo Phượng “vẽ” kể về mình, mới biết rằng, em là con đầu trong gia đình nông dân nghèo có 4 anh em. Em bị hở hàm ếch nên khó phát âm. Mỗi khi muốn diễn đạt điều gì em phải “ú, ớ” rất lâu, người lạ muốn hiểu phải nghe nhiều lần hoặc nhờ người phiên dịch giúp.Thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường nên em xin bố mẹ cho đi học chữ để tiện cho việc giao tiếp. Tuy nhiên, đôi tay em cũng bị tật từ nhỏ, khó cầm bút. Chữ viết cứ nguệch ngoạc, em rất ngại viết, nhưng được thầy, cô, bạn bè động viên nên xuyên luyện chữ hơn.

Đến trường là niềm vui của Phượng (bên trái).
Đến trường là niềm vui của Phượng (bên trái).

Điều khiến các thầy cô giáo và học sinh trong trường cảm phục Phượng chính là sự kiên trì bám lớp của em. Dù không học giỏi nhưng Phượng đi học rất đều bất kể nắng mưa, trừ những lúc đau bệnh. Thầy Nông Văn Ba, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B cho biết,  Phượng là cậu học trò rất đặc biệt. Em vừa bị tật ở miệng, ở tay, đầu cũng không được thông minh lắm,  nhưng rất thích đi học; trong khi nhiều em ở các buôn bản trong xã cơ thể khỏe mạnh lại muốn ở nhà, nhà trường phải đến tận nhà vận động đi học. Em Phượng luôn được nhà trường biểu dương về tinh thần học tập và là tấm gương để cho các bạn học sinh khác noi theo.

Ngoài thời gian học, Phượng lên đồi chăn trâu. Phượng cho biết sẽ cố gắng theo học để biết mặt chữ cho tiện giao tiếp. Sau này, em ở nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy, kiếm tiền cho các em đi học, viết tiếp giấc mơ chinh phục con chữ đang dang dở của mình.

Có thể thấy, nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật để tìm con chữ của em Hà, Phượng rất đáng trân trọng. Hy vọng một ngày không xa, hai em sẽ thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Huỳnh Thủy – Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.