Multimedia Đọc Báo in

Cách làm hay trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số ở một trường mẫu giáo

09:31, 24/02/2018
Có nhiều điểm trường lẻ, đông học sinh người dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Trường Mẫu giáo Hoa Mai (phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ) đã nỗ lực vượt khó nâng cao chất lượng nuôi và dạy học sinh; đặc biệt, nhà trường đã chú trọng và có nhiều cách làm hay trong công tác dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số.
 
Trường Mẫu giáo Hoa Mai hiện có 3 điểm trường: 1 điểm chính và 2 điểm lẻ với tổng số 7 lớp và 200 học sinh; trong đó có 48 học sinh là người dân tộc thiểu số. Không chỉ xây dựng trường lớp kiên cố, rộng rãi, thoáng mát, nhà trường còn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ với các giải pháp như: xây dựng đội ngũ giáo viên tận tụy với nghề, có năng lực chuyên môn; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và chăm sóc giáo dục trẻ hằng ngày; tổ chức học bán trú 2 buổi/ngày. Công tác chăm sóc trẻ được quan tâm nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và suy dinh dưỡng thấp còi giảm đáng kể. 
 
Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Mai Tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ qua các đồ dùng trực quan.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Mai Tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ qua các đồ dùng trực quan.
Điểm trường tại buôn Dlung có 48 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số tại chỗ; hầu hết các em chưa nói thạo tiếng phổ thông nên khả năng nghe, nói tiếng Việt và tiếp thu kiến thức còn nhiều hạn chế… Trước thực trạng đó, Trường Mẫu giáo Hoa Mai xác định xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường đã chủ động, linh hoạt thực hiện đổi mới phương pháp dạy, học. Đội ngũ giáo viên tích cực, sáng tạo tổ chức lớp học và các hoạt động giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Nhà trường đã tạo môi trường tiếng Việt cho học sinh ở mọi lúc, mọi nơi; tăng cường thời lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh; khuyến khích các em phát âm, sử dụng câu từ trong tiếp cận với đồ dùng, đồ chơi ở lớp, với bạn bè, học hỏi qua mọi người xung quanh; trẻ được đóng vai thể hiện bằng lời nói đối thoại qua các trò chơi. Không chỉ dạy trẻ học đọc, viết các chữ cái, giáo viên còn kể cho trẻ nghe các câu chuyện và khuyến khích trẻ kể lại nội dung câu chuyện và các hoạt động trong ngày nhằm giúp trẻ tăng vốn từ tiếng Việt.
 
Bên cạnh đó, Trường Mẫu giáo Hoa Mai còn thường xuyên phân loại kiến thức, các kỹ năng của học sinh, tăng cường dạy phụ đạo đối với học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức; tăng cường giáo dục phối hợp giữa gia đình và nhà trường, lồng ghép tiếng Việt đối với trẻ ở vùng dân tộc vào chương trình nhằm giúp trẻ tiếp cận ngôn ngữ trong giao tiếp với cộng đồng dễ dàng.
 
Nhờ những cách làm hay, sáng tạo và thiết thực, chất lượng công tác chăm sóc, dạy và học ở Trường Mẫu giáo Hoa Mai đã nâng lên rõ rệt. Năm học 2015 – 2016, nhà trường đã được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. 
 
Hoàng Văn Tuấn

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.