Multimedia Đọc Báo in

Mang Xuân ấm đến với sinh viên nghèo

08:25, 04/02/2018

50 sinh viên nghèo hiếu học của Trường Đại học Tây Nguyên vừa được Quỹ “Moto học bổng” do hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền sáng lập trao học bổng (mỗi suất trị giá 6 triệu đồng). Những suất học bổng được trao tận tay các em sinh viên đúng dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất nên càng ý nghĩa hơn. 

Em Nguyễn Thị Ngọc Nga, sinh viên năm nhất lớp Bảo vệ thực vật K17 trải lòng: Khi em sinh ra bố mẹ đã không còn ở chung.  Một mình mẹ vất vả bươn chải nuôi bốn con ăn học. Anh trai đầu của em cũng từng là sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Sau nhiều năm tốt nghiệp, anh trai của em mới  tìm được việc làm. Tuy nhiên, vì phải trả khoản vay tín dụng sinh viên thời đại học nên anh cũng chưa giúp đỡ được mẹ. Để có tiền lo cho con gái út học đại học, mẹ của Nga phải đi giúp việc nhà ở thành phố Buôn Ma Thuột với tiền lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Do đó, vào ngày thứ 7, chủ nhật Nga thường đi làm thêm để tự lo phần nào chi phí sinh hoạt, học tập. “6 triệu đồng mà các nhà văn trao tặng là tài sản lớn đối với gia đình em. Số tiền này em dùng để đóng học phí học kỳ II và trả tiền thuê nhà trọ”.

 Hai nhà văn sáng lập  Quỹ “Moto học bổng”  và  lãnh đạo Trường  Đại học  Tây Nguyên trao học bổng cho sinh viên nghèo  hiếu học.
Hai nhà văn sáng lập Quỹ “Moto học bổng” và lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên trao học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học.

 Cùng cảnh ngộ, em Trượng Xuân Viên (dân tộc Chăm), sinh viên lớp Y đa khoa K17 cho biết: Ba em bị bệnh tim, kinh tế gia đình kiệt quệ dần theo những lần chữa bệnh. Dù đã mổ tim với chi phí lên trên 140 triệu đồng, bố em vẫn không thể làm được công việc nặng nhọc. Mẹ lại không có công việc ổn định. Mùa nào việc ấy, đến mùa thu hoạch cà phê, mẹ em lên tỉnh Đắk Nông mua bán, còn đến mùa điều thì mẹ lại sang tỉnh Bình Phước. Nhìn mẹ tất tả ngược xuôi theo những chuyến xe đò từ tỉnh Ninh Thuận sang các tỉnh lân cận lao động kiếm tiền thuốc thang cho bố và  nuôi các con ăn học em chỉ biết cố gắng học và tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho mẹ.

50 sinh viên nghèo hiếu học được nhận học bổng đợt này là 50 hoàn cảnh khác nhau nhưng có cùng mục tiêu là cố gắng học tốt, tự lập để thực hiện ước mơ của mình. Trò chuyện với các em sinh viên được nhận học bổng, nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ: “Sự cố gắng của các em trong học tập và rèn luyện rất đáng trân trọng. Chúng tôi thành lập Quỹ “Moto học bổng” cũng nhằm trao cho các em niềm tin, động lực để các em vững bước trên con đường học tập”. Nhà văn cho biết, cách đây 6 năm, ông và nhà văn Đoàn Thạch Biền về hưu nên quyết định đi một vòng đất nước để biết thêm về quê hương mình và để trao những suất học bổng đến học sinh, sinh viên nghèo. Sau những chuyến đi nghĩa tình ấy, hai nhà văn quyết định nhận bảo trợ chiều sâu (giúp tiền ăn học hằng tháng, đóng học phí, khen thưởng khi đạt thành tích cao trong học tập, tặng quà tết, tổ chức đi chơi vào dịp hè...) cho 65 học sinh, sinh viên nghèo trong cả nước. Đến nay đã có 6-7 em sinh viên tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Năm nay, hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền quyết định hợp tác với các trường đại học để trao học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học. Hai nhà văn cam kết, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng đợt này sẽ tiếp tục được chương trình “Moto học bổng” trao học bổng trong năm học tiếp theo nếu các em lên lớp và sẽ được chương trình khen thưởng nếu đạt thành tích cao trong học tập. “Chúng tôi không mong các em biết ơn mà hãy vượt lên số phận, cố gắng học tốt”, nhà văn Nguyễn Đông Thức nói.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao học bổng tặng sinh viên nghèo hiếu học Trường Đại học Tây Nguyên.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao học bổng tặng sinh viên nghèo hiếu học Trường Đại học Tây Nguyên.

Sự gửi gắm của nhà sáng lập Quỹ “Moto học bổng” cũng là mong muốn  của lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên gửi đến sinh viên nghèo hiếu học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên xúc động bày tỏ: “Những suất học bổng này ngoài giá trị vật chất, còn chan chứa tình cảm, sự nhân văn bởi dù đã nghỉ hưu nhưng các nhà văn vẫn chăm lo cho sinh viên, cho sự  nghiệp giáo dục. Càng đáng trân trọng hơn khi những người sáng lập ra quỹ học bổng đã gửi gắm đến các em một điều giản dị là hãy biết vượt lên số phận, phải tự biết lo cho mình. Hôm nay, các nhà văn đang gieo những hạt mầm hy vọng, tin rằng sau này sẽ có những cây đời xanh tươi”.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.